Đồng Nai chi trả gần 2.850 tỷ đồng cho người lao động và sử dụng lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP
(LĐXH)- Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tính đến thời điểm ngày 24/12/2021, tỉnh Đồng Nai đã chi trả 2.849,04 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn (9.644 đơn vị sử dụng lao động, 1.337.045 người lao động và 17.961 hộ kinh doanh).
Kết quả cụ thể, về chính sách giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã giảm mức đóng cho 9.557 đơn vị, tương ứng 708.786 người lao động, số tiền luỹ kế là 154,42 tỷ đồng (100% các doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ).
Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất, Đồng Nai đã hỗ trợ đối với 42 đơn vị và 15.111 người lao động, kinh phí thực hiện 92,14 tỷ đồng (theo đề nghị của doanh nghiệp).
Thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch COVID-19, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố đã trình phê duyệt đối với 2.218 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 177.135 lao động, kinh phí hỗ trợ là 691,87 tỷ đồng.
Về hỗ trợ người lao động ngừng việc (đối tượng đang hưởng mức lương ngừng việc theo thỏa thuận), toàn tỉnh đã có 1.373 đơn vị sử dụng được phê duyệt hỗ trợ, với 244.665 người lao động, số tiền 317,10 tỷ đồng.
Niềm vui của người lao động Đồng Nai khi kịp thời nhận được hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP
Chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế (F0 và F1), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình phê duyệt hỗ trợ cho 22.381 người điều trị nhiễm COVID-19 (F0) với số tiền là 25,48 tỷ đồng; 8.638 người cách ly y tế (F1) với số tiền là 10,33 tỷ đồng và 7.906 trẻ em với số tiền là 7,91 tỷ đồng. Đến nay, UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ đối với toàn bộ các đối tượng nêu trên.
Về chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật, hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch, ngay sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai đã chi trả xong cho 41 người với số tiền là 152,11 triệu đồng.
Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình phê duyệt 18.469 hộ kinh doanh với số tiền là 55,41 tỷ đồng. Tính đến thời điểm ngày 24/12, UBND tỉnh Đồng Nai và UBND các huyện, thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ và các địa phương đã chi trả cho 17.961 hộ kinh doanh, tổng kinh phí 53,883 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 97,25%).
Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân hồ sơ vay vốn để trả lương ngừng việc người lao động cho 18 doanh nghiệp với số tiền là 10,48 tỷ đồng; hồ sơ vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất cho 27 doanh nghiệp với số tiền là 203,76 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ cho người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc và các đối tượng đặc thù, đến ngày 24/12, toàn tỉnh đã có 907.608 người được đề nghị phê duyệt hỗ trợ, số tiền là 1.361,41 tỷ đồng; UBND tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã ban hành quyết định hỗ trợ và các địa phương đã tiến hành chi trả cho 891.960 với tổng kinh phí 1.337,94 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 98,28%).
Đồng Nai được biết đến là một trong những địa phương có số lượng người lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP rất lớn. Chính vì vậy, trong nhiều tháng qua, các Sở, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã tập trung cao độ việc rà soát, hướng dẫn, lập danh sách các đối tượng và thực hiện chi hỗ trợ cho người dân.
Đặc biệt, để bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, không bỏ sót đối tượng, đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai đã làm việc cả ngày nghỉ, làm thêm buổi tối để rà soát, thẩm định kỹ các đối tượng trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc rà soát được tiến hành chặt chẽ thông qua hồ sơ thống kê, báo cáo từ cơ sở, thông báo rộng rãi trong cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và xác minh thực tế... để bảo đảm đúng người thụ hưởng. Qua đó, đã kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Chí Tâm
TAG: