An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Đối thoại tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
04:17 PM 26/04/2024
(LĐXH) – Chiều ngày 26/4/2024, tại Hà Nội, Hội đồng quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã tổ chức Hội nghị đối thoại định kỳ năm 2024 nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về ATVSLĐ.

Phiên đối thoại chính sách pháp luật về ATVSLĐ

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ chủ trì buổi đối thoại. Tham gia đối thoại còn có ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), Trưởng Ban thư ký Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ; Bà Lương Mai Anh, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế); Đại diện các thành viên của Hội đồng, như: Bộ Xây dựng, Công thương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp và Sở LĐTBXH các địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên đối thoại, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết: Sau 07 lần tổ chức đối thoại từ năm 2017 đến năm 2023, ở cấp quốc gia nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung; ở cấp tỉnh đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp. Sau đối thoại năm 2023, các thành viên Hội đồng tích cực tư vấn cho Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Các cơ quan Hội đồng tham mưu nhiều văn bản quan trọng, nổi bật như: Chỉ thị của Ban Bí thư số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong tình hình mới; 16 Thông tư của Bộ trưởng các Bộ. Hiện nay, đang trình xem xét các cấp có thẩm quyền tiếp tục xem xét để ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật khác, dự kiến ban hành trong quý II, quý III năm 2024.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo tại phiên đối thoại

Các thành viên Hội đồng đã xây dựng hàng trăm Hội thảo, tập huấn chuyên đề, hằng trăm nghìn ấn phẩm hướng dẫn; tuyên truyền đa dạng, phong phú các nội dung về phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên truyền hình, đài phát thanh, mạng internet… Qua đó đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động. Đây cũng là một hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới về ATVSLĐ (ngày 28/4) và là một trong những điểm nhấn trong Tháng hành động quốc gia về ATVSLĐ.
Để buổi đối thoại đạt kết quả tốt, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến các chính sách mới ban hành, đặc biệt tập trung giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, người lao động. Đồng thời, đề nghị các đồng chí đại diện cho các Sở LĐTBXH tham gia đối thoại cùng với các Bộ, ngành giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp tại địa phương và sớm tham mưu cho Hội đồng cấp tỉnh về ATVSLĐ tổ chức đối thoại ở địa phương để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật.
Báo cáo về nội dung đã triển khai sau đối thoại năm 2023, ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) cho biết: Sau phiên đối thoại năm 2023, các thành viên Hội đồng đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới, giải quyết những vấn đề khó khăn của doanh nghiệp, cụ thể như: Bộ LĐTBXH đã tham mưu trình Ban cán sự đảng Bộ LĐTBXH trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong tình hình mới; Trình Chính phủ Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư Pháp (dự kiến ban hành vào quý II năm 2024); Ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BLĐTBXH ban hành bổ sung danh mục nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm (bổ sung 51 chức danh nghề nặng nhọc độc hại nguy hiểm trong lĩnh vực xây dựng, vận tải, thương binh và xã hội); Phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công an ban hành Thông tư bổ sung danh mục nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm trong lực lượng công an nhân dân…
Thanh tra chuyên ngành của Cục An toàn lao động đã thực hiện 53 cuộc thanh tra trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Bắc Giang, Quảng Ninh… Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi, vi phạm về lĩnh vực ATVSLĐ, cụ thể: Người sử dụng lao động không điều tra tai nạn lao động thuộc trách nhiệm theo quy định; người vận hành cẩu trục, xe nâng hàng, hàn điện không có chứng chỉ đào tạo tương ứng; người sử dụng lao động không kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ.
Ngoài ra, Bộ Y tế ban hành 02 Thông tư: Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 09/02/2023 bổ sung bệnh Covid-19 vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; Thông tư số 28/2023/TT-BYT ngày 29/12/2023 quy định phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của chương trình đào tạo nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức mà không thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh đó, rà soát các nội dung đề xuất sửa đổi bổ sung một số Thông tư của Bộ Y tế, dự kiến trình ban hành trong năm 2024, bao gồm: Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016, quy định bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và Thông tư số 28/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp; Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khoẻ người lao động…

Đại diện doanh nghiệp trao đổi về các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chính sách

Chuyên viên Cục An toàn lao động giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp

Tại phiên đối thoại, Hội đồng đã trao đổi, đối thoại với các địa phương, doanh nghiệp về các nhóm vấn đề như: Quản lý máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; Quản lý công tác huấn luyện ATVSLĐ; Chế độ, chính sách ATVSLĐ, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động; Quan trắc môi trường lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động; Không gian hạn chế và thi công xây dựng.
Toàn bộ các kiến nghị và kết quả của cuộc đối thoại hôm nay sẽ được báo cáo gửi tới Chính phủ và chuyển tải tới các thành viên Hội đồng quốc gia. Một số vấn đề quan trọng sẽ được xem xét, lựa chọn để đưa ra biểu quyết trong Hội đồng quốc gia trong phiên họp thường kỳ sắp tới./. 
Nguyễn Hiền
TAG: doi thoai an toan ve sinh lao dong
Tin khác
Nam Định: Khẳng định vị thế của Trung tâm Dịch vụ việc làm
Xã Hành Đức: Nỗ lực kết nối việc làm cho người nghèo
Huyện Đức Hoà (Long An) nỗ lực tìm kiếm giải pháp tạo việc làm ổn định cho người lao động
Long An chủ động kết nối doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản làm việc
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp
Dấu ấn trong phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
Thanh Hóa tăng cường kết nối cung cầu lao động
Huyện Quế Phong: Tích cực kết nối việc làm cho người lao động