Kinh tế
Trang chủ / Kinh tế / Kinh tế
Đổi mới nghiên cứu khoa học theo đặt hàng của doanh nghiệp
10:50 AM 12/07/2024
(LĐXH) - Cần có cơ chế tuyển chọn các dự án nghiên cứu theo hình thức đặt hàng gắn sản xuất với thị trường. Đây là thảo luận được đưa ra tại “Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn...

Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 2,62%/năm nhưng bình quân 3 năm từ 2021-2023 đã tăng lên 3,35%/năm. Khoa học công nghệ là khâu khâu đột phá đưa kinh tế nông nghiệp Việt Nam có được kết quả này. Khoa học công nghệ đã đóng góp khoảng 35% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp từ việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng những giống cây trồng, vật nuôi; giống cây lâm nghiệp; giống lúa...

Sản phẩm khoa học công nghệ được trưng bày tại Diễn đàn

Tại diễn đàn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã chuối Viba (tỉnh Hòa Bình) Trần Trung Đức cho biết, hiện nay Hợp tác xã chuối Viba là đơn vị sản xuất chuối uy tín, lớn nhất ở miền Bắc, nhãn hiệu Viba (Vietnam banana) đã được đăng ký bảo hộ độc quyền với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Để cạnh tranh và “sống” được, Hợp tác xã đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, toàn bộ chuối tiêu hồng được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; sơ chế, tuyển chọn, đóng gói theo tiêu chuẩn, bảo quản bằng hệ thống kho lạnh, đặc biệt là giấm bằng khí ethylene an toàn...

Theo ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình ở lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản, 1 mô hình kết hợp trồng trọt - chăn nuôi. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tập trung ở các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng, Quốc Oai… Nhìn chung, các mô hình ứng dụng công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp thực tế sản xuất nông nghiệp của Hà Nội.

Tiến sỹ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn chỉ ra rằng, hiện nay, Nhà nước có nhiều chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ ưu tiên hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Vì thế, cần làm thế nào để các nhà khoa học và các doanh nghiệp đồng hành ngay từ khi có ý tưởng trong nghiên cứu cho đến ra sản phẩm cuối cùng, để sau khi đề tài dự án kết thúc là sản phẩm ứng dụng thực tiễn ngay. Viện đã có nhiều hình thức đổi mới, mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia như việc doanh nghiệp đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện có 18/106 giống theo mô hình này. Có 8 giống được đầu tư từ đầu và 10 giống là được đầu tư trong lúc đang nghiên cứu.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng khẳng định, làm sao đưa doanh nghiệp và nhà khoa học gặp nhau ngay từ giai đoạn ban đầu là câu hỏi được đặt ra từ lâu nay. Thị trường chính là “bà đỡ” cho các đề tài nghiên cứu khoa học, không có thị trường thì không thể đưa các nghiên cứu này ứng dụng vào sản xuất.

Tiến sỹ Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, để có nguồn lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, Học viện Nông nghiệp tăng cường hình thức xã hội hóa kêu gọi vốn đầu tư, phối hợp với các hợp tác xã; doanh nghiệp, người sản xuất để phục vụ công tác nghiên cứu. Học viện Nông nghiệp Việt Nam hiện đang hợp tác, liên doanh với khoảng 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước. “Chúng tôi chủ trương nghiên cứu các đề tài đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà sản xuất… hãy đặt hàng Học viện để chúng tôi từ nghiên cứu sẽ triển khai vào ứng dụng, từ đó nâng cao giá trị nông sản,” Tiến sỹ Nguyễn Công Tiệp chia sẻ.

Góp ý vào việc tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và các viện, trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, các nhà khoa họa, các viện, trường cần phải có “hàng” thì doanh nghiệp mới đặt. Theo đó, các viện, trường cần có “hàng mẫu” giới thiệu có thể làm được những sản phẩm gì để doanh nghiệp đánh giá phù hợp hay không để từ đó đặt hàng. "Để thích ứng với nền kinh tế thị trường, trong đó có thị trường khoa học công nghệ, các nhà khoa học cần bán những gì thị trường cần. Bất kỳ thị trường nào cũng cần sự gặp gỡ giữa cung và cầu. Các nhà khoa học và viện, trường cần hiểu rõ hơn nhu cầu của thị trường, từ đó định hướng nghiên cứu sao cho phù hợp với nhu cầu thực tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Minh Anh

TAG: sản phẩm nông nghiệp
Tin khác
Tôn vinh 88 Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2024
Phát huy hiệu quả dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong ra quyết định quản trị giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tối ưu hoá hiệu suất
Amway Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng Thương hiệu vàng phát triển bền vững
Snapchat dành cho doanh nghiệp chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam
AEON Việt Nam đẩy mạnh đa dạng hóa mô hình bán lẻ, liên tiếp mở trung tâm mới trong năm 2024
Cơ hội kết nối phát triển thị trường hàng thủ công mỹ nghệ thành phố Hà Nội
Routine Trở Lại Sàn Runway Cotton Day Lần 3 Với “Coffee Lovers Series 4”
Nông nghiệp bền vững vì an ninh lương thực và an toàn thực phẩm – AFS 2024
Herbalife Việt Nam đạt giải thưởng “Top Công Nghiệp 4.0 Việt Nam 2024” với Ứng dụng My VNClub