Doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng chấp hành tốt pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
(LĐXH)-Thời gian qua, các cấp, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tích cực triển khai đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), thực hiện các biện pháp an toàn lao động, nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện môi trường làm việc nhằm giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo số liệu tổng hợp thống kê và báo cáo tình hình tai nạn lao động (TNLĐ), năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xảy ra 246 vụ tai nạn lao động làm 247 người bị nạn; trong đó có 16 vụ tai nạn lao động làm 16 người chết. Số vụ tai nạn lao động chết người năm 2023 giảm 2 vụ so với năm 2022, tần suất tai nạn lao động chết người giảm 9,9% (chỉ tiêu trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người).
Những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra tai nạn chết người là: Lĩnh vực cơ khí luyện kim có 05 vụ (chiếm 31,25% trong tổng số vụ); Lĩnh vực xây dựng 04 vụ (chiếm 25% trong tổng số vụ, trong đó 02 vụ xảy ra tại các công trình người dân làm chủ đầu tư); Lĩnh vực dịch vụ: 03 vụ (chiếm 18,75% trong tổng số vụ); Lĩnh vực sản xuất VLXD 02 vụ (chiếm 12,5% trong tổng số); Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện 01 vụ (chiếm 6,25% trong tổng số vụ); Lĩnh vực chế biến gỗ: 01 vụ (chiếm 6,25% trong tổng số vụ).
Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người do: Ngã từ trên cao, rơi có 04 vụ; Điện giật: 03 vụ; Máy, thiết bị kẹp, chèn ép, va đập: 09 vụ. Các cơ quan chức năng đã xử phạt hành chính đối với 07 doanh nghiệp với tổng số tiền xử phạt 230 triệu đồng, xử lý kỷ luật lao động 14 cá nhân. Các vụ tai nạn lao động chết người được khai báo kịp thời, tiến hành điều tra theo đúng trình tự và thời gian quy định.
Về công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, nhiều doanh nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng chú trọng quan tâm thực hiện. Trong năm 2023, có 127 doanh nghiệp lập hồ sơ vệ sinh lao động, 148 doanh nghiệp có tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 57.404 người lao động, 41 doanh nghiệp tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp với 23.043 người được khám (6.576 là lao động nữ), 147 doanh nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động; 97 doanh nghiệp tổ chức huấn luyện về sơ cấp cứu với 15.268 người lao động, 65 doanh nghiệp huấn luyện lực lượng sơ cứu với 815 người lao động. số người tham gia lực lượng sơ cứu, cấp cứu với 3.236 người (1.007 là lao động nữ). Tổng kinh phí chi trả cho công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động của các doanh nghiệp là 66.954 triệu đồng. Cùng với đó, các đơn vị y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện đã triển khai huấn luyện chuyên môn kỹ thuật về vệ sinh lao động, chuyên môn về quản lý sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, chuyên môn kỹ thuật về sơ cứu, cấp cứu cho 804 lượt cơ sở lao động.
Nhìn chung, việc chấp hành chính sách, pháp luật ATVSLĐ của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động ngày càng tốt hơn. Công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ được các cấp, ngành, địa phương quan tâm, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quản lý công tác ATVSLĐ; hoạt động thông tin tuyên truyền được triển khai với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực.
Kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ, Kế hoạch ATVSLĐ năm 2023 đã được UBND tỉnh ban hành đã có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố nên công tác phối hợp chỉ đạo các hoạt động tuyên truyền, phát động, hướng dẫn được thực hiện đầy đủ, chi tiết. Vì vậy, các hoạt động được thực hiện có hiệu quả, nhận thức về ATVSLĐ trong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người lao động tiếp tục được nâng lên; từng bước xây dựng văn hóa an toàn và nâng cao ý thức ATVSLĐ.
Qua số liệu báo cáo công tác ATVSLĐ cho thấy các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đã quan tâm thực hiện nghiêm túc các nội dung về ATVSLĐ như: tổ chức huấn luyện ATVSLĐ 87.143 người lao động; kiểm định 77.326 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; bồi dưỡng bằng hiện vật cho 40.976 người; tiến hành kiểm tra đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đã được nhận diện trong năm 11.669 yếu tố và được cải thiện 10.340 yếu tố; chi phí thực hiện kế hoạch ATVSLĐ 1.147.417 triệu đồng, tổng số mẫu quan trắc môi trường lao động 77.822 mẫu,…
Việc tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư.
Các cấp Công đoàn cơ sở đã tích cực tham gia cùng với chính quyền cùng cấp và người sử dụng lao động tổ chức thực hiện nhiều hoạt động về ATVSLĐ: tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, hưởng ứng Thánh hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2023, tự kiểm tra về ATVSLĐ, vận động người lao động tuân thủ quy trình biện pháp ATVSLĐ, tổ chức phong trào thi đua “Xanh – Sạch - Đẹp, Bảo đảm ATVSLĐ”.
Năm 2024, UBND các cấp, các Sở, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao, thực tiễn của cơ quan, địa phương, đơn vị. UBND các cấp, các Sở, ban ngành, đoàn thể tăng cường đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc cho công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực có nguy cơ cao TNLĐ, BNN, trong các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; nâng cao hiệu quả, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động, công đoàn các cấp trong Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về ATVSLĐ, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh./.
Mỹ Hằng
TAG:
an toàn vệ sinh lao động ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện công tác an toàn lao động