Điện Biên chủ động ngăn ngừa sự cố và tai nạn lao động trong các doanh nghiệp
(LĐXH)-Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, tình hình tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động là toàn tỉnh xảy ra 04 vụ tai nạn lao động làm 4 người bị chết. Đây cũng là thông tin mà 92 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh báo cáo về Sở.
Theo số liệu báo cáo, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động (TNLĐ) năm 2023 như sau: Chi phí bồi thường/trợ cấp là 748.350.000 đồng, thiệt hại về tài sản là 0 đồng.
Ngoài ra, năm 2023 trên địa bàn tỉnh còn xảy ra 03 vụ TNLĐ làm 04 người chết thuộc 03 doanh nghiệp không có trụ chính đóng chân trên địa bàn tỉnh, gồm: 01 vụ TNLĐ làm chết 01 người xảy ra tại Công trình thuỷ điện Mườn Mươn thuộc Công ty cổ phần Năng lượng Điện Biên – Sông Hồng; 01 vụ TNLĐlàm chết 02 người xảy ra tại Công trình hồ chứa nước Ảng Cang, xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng của Công ty cổ phần Cơ khí thuỷ lợi Hải Dương; 01 vụ TNLĐ làm chết 01 người của Công ty CP LICOGI 13 - Vật liệu xây dựng Chi nhánh Thành Nam, là ba doanh nghiệp không nằm trên địa bàn tỉnh. Theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/6/2016 của Chính phủ quy định: "Người sử dụng lao động gửi báo cáo tổng hợp tình hình TNLĐ về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động…). Do vậy, 03 vụ TNLĐnày không thống kê trong báo cáo tình hình tai nạn lao động năm 2023 của tỉnh.
Về tình hình TNLĐđối với người lao động làm việc không theo hợp động lao động, theo báo cáo của 10/10 huyện, thị xã, thành phố, năm 2023, trên toàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ TNLĐ làm 12 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị tai nạn, trong đó: có 2 vụ TNLĐ chết người, 2 người chết, 7 người bị thương nặng 07 người.
Trong số những vụ TNLĐ xảy ra đối với những lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì số vụ tai lao động giản đơn trong nông nghiệp là 6/12 vụ, chiếm 50%; lao động giản đơn trong xây dựng nhà cửa 01/12 vụ, chiếm 8,3%; Lao động trong xây dựng công trình kỹ thuật (không phải nhà) 05/12 vụ, chiếm 41,7% trên tổng số vụ TNLĐ năm 2023.
Những địa phương có nhiều vụ TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động gồm các huyện: Điện Biên Đông 4/12 vụ, chiếm 33,3%, Tủa Chùa 4/12 vụ chiếm 33,3%, Mường Ảng 3/12 vụ chiếm 25%, Điện Biên 1/12 chiếm 8,4%.
Căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ năm 2023, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các cơ quan, đơn vị, sở quản lý chuyên ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện tốt một số nội dung sau:
Các Sở, ngành quản lý chuyên ngành: Thực hiện quán triệt Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới; Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 19/10/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Điện Biên; tăng cường công tác tuyên truyền, chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chấp hành đúng, đầy đủ các quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng cháy nổ như: Xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, kinh doanh khí hoá lỏng (xăng, dầu, gas…) đặc biệt là các công trình trọng điểm, tiếp giáp khu dân cư, đông người qua lại.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố:
- Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh theo Kế hoạch số 534/KH- UBND ngày 02 tháng 02 năm 2024 triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm việc khai báo, báo cáo tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động nghiêm trọng đối với người lao động không làm việc theo hợp đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 10 và khoản 2 Điều 24 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động; thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố đánh giá về tình hình tai nạn lao động và sự cố gây mất an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động trên địa bàn theo quy định tại Thông tư 13/2020/TT- BLĐTBXH ngày 27/11/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng.
- Thực hiện tổng hợp tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động và báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 24 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đặc biệt tập trung vào nhóm đối tượng người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chích sách pháp luật về ATVSLĐ cho người sử dụng lao động, người lao động thuộc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời vận động người sử dụng lao động và người lao động chấp hành tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; nội quy, quy trình làm việc an toàn, sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân tại đơn vị để hạn chế các nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động.
Và đề nghị Hội nông dân tỉnh, Liên minh các Hợp tác xã tỉnh: Tăng cường tuyên truyền vận động người lao động, hội viên chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn; sử dụng phương tiên bảo vệ cá nhân; đẩy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động, đặc biệt người lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã: Cần thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động; Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới và Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 19/10/2020 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh Điện Biên./.
Nhật Minh