Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Để người lao động có tay nghề và việc làm ổn định
10:42 AM 03/02/2021
Hiện nay số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện Tuần Giáo chiếm 59,5% dân số. Ðể thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, Ðảng bộ, chính quyền huyện Tuần Giáo luôn chú trọng việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LÐNT), đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Cũng như các huyện vùng cao khác, việc đào tạo nghề cho LÐNT ở Tuần Giáo gặp không ít khó khăn, bất cập do học viên chủ yếu là người dân tộc thiểu số (DTTS), tập quán sản xuất mang nặng tính tự cung, tự cấp nên thường e ngại khi tiếp cận với những kiến thức, cách làm mới; nhiều lao động chưa thông thạo tiếng phổ thông, nhận thức về lao động, việc làm còn hạn chế nên giáo viên phải dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.

Bà Lường Thị Nhung, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuần Giáo cho biết: Thực hiện Ðề án 1956 về “Ðào tạo nghề cho LÐNT”, huyện Tuần Giáo đã tổ chức các lớp đào tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn của người lao động; đồng thời gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng xã, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cùng với đó, Phòng cũng đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép với các buổi họp thôn, bản về những chủ trương của Ðảng, Nhà nước, mục đích đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Ðặc biệt, tuyên truyền sâu rộng trong thanh niên, người trong độ tuổi lao động nhằm khuyến khích, động viên họ chọn nghề học, việc làm, thị trường tham gia xuất khẩu lao động góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập.


Dạy kỹ thuật trồng ngô tại xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên)

Trên cơ sở các nguồn vốn đầu tư, huyện đã đầu tư trang thiết bị, mô hình học tập trực quan; chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các xã tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu học tập, đào tạo nghề của lao động ở từng địa phương để mở lớp nghề phù hợp gắn với đời sống người dân... Tổ chức biên soạn giáo trình giảng dạy với sự tham gia của các giáo viên có kinh nghiệm, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ chuyên môn lâu năm. Chương trình dạy nghề có mục tiêu rõ ràng, chuẩn kiến thức, kỹ năng, cấu trúc nội dung, phương pháp và hình thức đào tạo, cách thức đánh giá kết quả học tập. Ðồng thời, rà soát, lấy ý kiến người sử dụng lao động, người tốt nghiệp đã đi làm để đánh giá, bổ sung, điều chỉnh chương trình dạy nghề phù hợp với kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Tuần Giáo đã mở 157 lớp đào tạo nghề cho 4.726 LÐNT (4.377 học viên nghề nông nghiệp; phi nông nghiệp cho 349 học viên); hỗ trợ đầy đủ, kịp thời cho người lao động thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, người DTTS, người tàn tật... với tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng.

Song song với việc đào tạo nghề, xác định tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động nông thôn là một trong những yếu tố tiên quyết xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội... Do vậy, hàng năm UBND huyện Tuần Giáo chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn tập trung tìm hiểu, rà soát thị trường lao động; theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung - cầu lao động; tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ngoài ra, huyện cũng chú trọng liên kết đào tạo, cung cấp nguồn lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng... Ðến hết năm 2020, toàn huyện đã tạo việc làm mới cho 1.000 lao động; hỗ trợ 317 lao động đi làm việc trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp ngoài tỉnh; 2 lao động đi làm việc ở nước ngoài: Hàn Quốc, Nhật Bản (chiếm 40% chỉ tiêu). Ngoài ra, thông qua các kênh tuyên truyền của tổ chức hội, đoàn thể và các chương trình chính sách hỗ trợ vay vốn, nhiều người lao động được vay vốn phát triển kinh tế, tự tạo việc làm.

 Năm 2020, xã Quài Nưa đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục Nông nghiệp - Giáo dục Thường xuyên đào tạo nghề cho hơn 100 LÐNT (chăn nuôi, hàn xì, trồng rừng, xây dựng...); hỗ trợ gần 800 lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quài Nưa chia sẻ: Ðể giúp người dân xóa đói giảm nghèo, những năm qua xã đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề cũng như tìm kiếm việc làm thường xuyên tại các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Có thể thấy rằng, việc tạo việc làm ổn định cho LÐNT đã góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao kinh tế hộ gia đình, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 25%; xã đã cán đích 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới./.

Phương Linh
TAG:
Tin khác
Thanh Hóa: Nhiều kết quả đáng ghi nhận từ dự án hỗ trợ việc làm bền vững
Huyện Yên Bình (Yên Bái) tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động
Hà Tĩnh xây dựng Sàn giao dịch việc làm hỗ trợ thông tin việc làm bền vững
Hà Giang chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động tạo việc làm bền vững cho hộ nghèo
Huyện Phong Thổ (Lai Châu): Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động
Nam Định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
Huyện Trà Cú (Trà Vinh) tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động
Thành phố Hà Giang tạo điều kiện tối đa để lao động hộ nghèo tiếp cận việc làm bền vững
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững