Đề án “Khởi nghiệp...” định hướng cho tuổi trẻ chủ động lập thân, lập nghiệp
(LĐXH) - Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” được Bộ Lao động – thương binh và Xã hội phê duyệt và ban hành Kế hoạch triển khai đề án này với nội dung cụ thể… Đây là một trong những đề án hứa hẹn sẽ mang lại cho “tuổi trẻ Việt Nam” những định hướng cũng như kế hoạch mang tính chiến lược mang tính nhân văn sâu sắc…
Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” với mục đích là, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên; trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp học sinh, sinh viên tự tin, chủ động, sáng tạo trong việc khởi nghiệp, chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp. Nâng cao năng lực các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện học sinh, sinh viên và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Tìm kiếm và giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên để giới thiệu cho các nhà đầu tư. Tăng cường xã hội hóa công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp và tự tạo việc làm.
Yêu cầu của đề án là phải triển khai Kế hoạch được tổ chức rộng khắp trong các địa phương và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc; đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, hình thức và có tác động mạnh mẽ đến học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Huy động, thu hút sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư và các tổ chức, cá nhân liên quan trong và ngoài nước vào công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Đối tượng thụ hưởng là học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Thời gian triển khai thực hiện trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2025.
Tổng kinh phí dự kiến trên 118,380 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm khoảng 60%, còn lại là các nguồn kinh phí xã hội hoá, đóng góp, vận động tài trợ hợp pháp...
Hiện nay, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 397 trường cao đẳng, 519 trường trung cấp và 1.032 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hằng năm, có khoảng 2.210.000 người tốt nghiệp trong đó số học sinh trung cấp, sinh viên cao đẳng khoảng 545.000 người (trình độ cao đẳng khoảng 230.000 sinh viên; trình độ trung cấp khoảng 315.000 học sinh); trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khoảng 1.665.000 người; hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng 800.000 lao động nông thôn; góp phần hết sức quan trọng trong việc phát triển lực lượng lao động có kỹ năng góp phần vào việc giải quyết việc làm, ổn định xã hội và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong số người học tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói trên có khả năng chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm, khởi nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao, chưa tương xứng với những cơ hội tự tạo việc làm, khởi nghiệp trong thời kỳ phát triển mới của nền kinh tế, xã hội đất nước. Mặt khác, số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp còn ít, cần thiết phải có một chương trình nhằm thúc đẩy hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp khởi nghiệp, tiến tới một việc làm ổn định và bền vững.
Tiếp tục chú trọng công tác truyền thông
Để thực hiện có hiệu quả đề án, cần thực hiện nghiêm túc các giải pháp, nhất là đẩy mạnh thông tin, truyền thông, phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp; 12 triệu lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm. Tổ chức "Ngày hội khởi nghiệp" cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ít nhất 1 năm/1 lần. Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn giới thiệu ý tưởng, dự án khởi nghiệp kết nối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư...
Cụ thể là, biên soạn, in ấn, phát hành tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (tài liệu, giáo trình, sổ tay, cẩm nang, tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, bảng điện tử về khởi nghiệp và tự tạo việc làm cho học sinh, sinh viên, …). Tổ chức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát trailer về khởi nghiệp trên các kênh truyền hình; các bài viết, phóng sự trên các báo in, báo điện tử; tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, diễn đàn trực tuyến). Trên mạng xã hội(vận hành fanpage, kênh youtube truyền thông về khởi nghiệp; kết nối đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên để làm các sản phẩm truyền thông đăng trên fanpage và youtube; làm các videoclip và infographic, app…). Tổ chức giao lưu khởi nghiệp giữa các doanh nhân và học sinh, sinh viên, hội nghị, hội thảo, diễn đàn để giới thiệu ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, kết nối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuyên dương, khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực thông qua hoạt động tổng kết, đánh giá thực hiện kế hoạch.
Tiếp đó, hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, theo kế hoạch sẽ tổ chức 150 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho 7.500 lượt cán bộ, nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nhằm nâng cao năng lực và hình thành đội ngũ giáo viên giảng dạy khởi nghiệp, cán bộ làm công tác tư vấn, hỗ trợ. Tổ chức 150 lớp đào tạo, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản về khởi nghiệp cho 15.000 lượt học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phấn đấu có tất cả các trường cao đẳng và khoảng 50% các trường trung cấp thành lập tổ chuyên gia tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tổ chức ít nhất 03 đoàn học tập trao đổi kinh nghiệm tại nước ngoài cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp.
Tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo của học sinh, sinh viên, chỉ tiêu trong thời gian này có 70% các trường cao đẳng, trung cấp có ít nhất 05 ý tưởng, dự khởi nghiệp của học sinh, sinh viên được hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp hoặc kết nối với các doanh nghiệp, các quỹ mạo hiểm và 50% các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp hình thành các trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp hoặc các câu lạc bộ khởi nghiệp theo lĩnh vực; phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản để hình thành các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý, kết nối ý tưởng, dự án khởi nghiệp và tự tạo việc làm của học sinh, sinh viên nhằm kết nối với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Hỗ trợ nguồn vốn cho dự án khởi nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, sẽ có khoảng 50% các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp tăng cường bố trí nguồn vốn hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Khoảng 50% các trường cao đẳng, trung cấp giáo dục nghề nghiệp tăng cường công tác kết nối với các doanh nghiệp, vận động xã hội hoá nguồn lực tổ chức các hoạt động khởi nghiệp và huy động nguồn vốn hỗ trợ các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Để triển khai, thực hiện có hiệu quả, cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của đơn vị (bao gồm nguồn chi thường xuyên, nguồn nghiên cứu khoa học học sinh, sinh viên, nguồn xã hội hóa,…) vào nguồn vốn dành cho hoạt động khởi nghiệp của cơ sở và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Chủ động tổ chức các hoạt động tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Xây dựng Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí vận động xã hội hoá. Chủ động phối hợp ký kết thoả thuận hợp tác phối hợp với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư để đồng hành tổ chức các hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, tập trung vào công tác tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội nghị, hội thảo rà soát, phát hiện khoảng trống chính sách nhằm đề xuất, sửa đổi hoặc ban hành chính sách về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong tình hình mới. Nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động khởi nghiệp theo Quyết định 1665. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đề xuất sửa đổi bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy định về cơ chế, chính sách về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; chính sách đối với nhà giáo, người làm công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp theo quy định.
Về tổ chức thực hiện, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) là cơ quan thường trực, tham mưu, chỉ đạo thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố, có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh Kế hoạch triển khai Đề án tại địa phương. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án theo giai đoạn và từng năm của đơn vị đồng thời báo cáo cơ quan chức năng kết quả hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của đơn vị./.
Nguyễn Hữu Bắc
TAG: