Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Đắk Lắk: Nhiều kết quả nổi bật trong công tác giải quyết việc cho người lao động
03:50 PM 09/04/2020
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết: Năm 2019, nhờ được sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời sâu sát của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương và bằng nhiều giải pháp trọng tâm và thông qua nhiều kênh giải quyết việc làm, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm đạt trên 29.300 người, đạt 101% so với kế hoạch. Riêng xuất khẩu lao động đã có 1.400 người xuất cảnh đạt 200% so với kế hoạch, số lao động tham gia xuất khẩu lao động chủ yếu ở các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc..., góp phần hạ tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,5%.
Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk
Ngoài ra, tỉnh cũng kết hợp giữa các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như: tư vấn giới thiệu việc làm, cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Theo ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Năm 2019, tỉnh tiếp tục có nhiều yếu tố tích cực và thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, nhất là trong trồng trọt, chăn nuôi … thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới nhiều, nhu cầu tuyển lao động của doanh nghiệp ngoài tỉnh tăng cao, đã tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội lựa chọn việc làm. Bên cạnh đó địa phương cũng có nhiều dự án, công trình xây dựng, giao thông đường bộ, giao thông nông thôn được triển khai đồng bộ tại địa phương, các yếu tố này đã góp phần tạo ra nhiều chỗ việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài ra, tỉnh còn kết hợp giữa chương trình phát triển kinh tế - xã hội với các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho người lao động như: tư vấn, giới thiệu việc làm, cho vay vốn giải quyết việc làm, vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc chắp nối cung cầu lao động được thuận tiện và hiệu quả. Đồng thời, các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM đã trực tiếp đến liên hệ tư vấn, tuyển chọn lao động tại địa phương. Ngoài ra năm 2019, Chính phủ cũng bổ sung nguồn lãi từ việc cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho tỉnh Đắk Lăk thêm 03 tỷ đồng nên số dự án vay vốn và doanh số cho vay tăng, góp phần giải quyết việc làm tăng, nhất là lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, trong năm 2019 thông qua Ngân hàng chính sách xã hội của tỉnh đã phát huy hiệu quả  trong công tác giải quyết cho vay vốn tạo việc làm  và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.  Ngân hàng Chính sách xã hội đã thẩm định trên 2400 dự án vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, số tiền cho vay 66 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 3000 người lao động. Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu cho hộ gia đình vay để đầu tư trồng, chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi nhằm phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương. Thông qua việc cho vay vốn giải quyết việc làm của tỉnh đã khuyến khích phát triển sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện và ổn định.
Cùng với đó,  Sở LĐ - TB&XH tỉnh cũng đã tạo điều kiện, giới thiệu các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động về các địa phương trong tỉnh để phối hợp tổ chức tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, các doanh nghiệp đã tư vấn trực tiếp cho hàng nghìn lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài và đã có 1.400  lao động đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả Rập Xê út, … đạt 200% kế hoạch năm.
Đồng thời, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong năm qua luôn được ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức và cách làm sáng tạo. Công tác thông tin thị trường  lao động, kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp luôn được quan tâm.  Toàn tỉnh có 04 doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ việc làm (có giấy phép) cùng với Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở) tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm … để “chắp nối” giữa người lao động và người sử dụng lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị đầu mối, đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Tỉnh đoàn Đắk Đắk, Hội liên hiệp Phụ nữ, chính quyền địa phương các cấp để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, nắm nhu cầu tuyển dụng của, đơn vị, doanh nghiệp …   
Trang bị kỹ năng nghề cho người lao độnng là một trong những giải pháp giải quyết việc làm có hiệu quả được tỉnh Đắk Lăk tập trung đẩy mạnh
 Năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm trong tỉnh và UBND các huyện gồm: Buôn Hồ, Krông Pắk, Krông Năng, Krông Ana, Lắk, Krông Bông, Ea Súp đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 37.300 lượt người (trong đó tư vấn việc làm 25.400 lượt người). Giới thiệu việc làm cho 13.700 lượt người, số người có việc làm sau khi giới thiệu là 5.230 người, cung ứng lao động cho 280 người.  Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 27.695 lượt người (trong đó tư vấn việc làm 21.695 lượt người); giới thiệu việc làm cho 10.511 lượt người, số có việc làm sau khi giới thiệu là 4.129 người (có việc làm trong tỉnh 3.552 người, ngoài tỉnh 526 người, nước ngoài 51 người), cung ứng lao động cho 168 người.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức 11 phiên giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, tham gia Ngày Hội việc làm do 07 huyện và Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức,  kết quả có 162 lượt đơn vị tham gia, với tổng số nhu cầu tuyển dụng là 6.501 lao động,  bình quân mỗi phiên có 15 đơn vị tham gia; số lao động đến tham gia Phiên giao dịch 5.661 lượt người; số lao động được tuyển dụng trực tiếp tại các Phiên 1.062 người, bình quân mỗi phiên có 97 người được tuyển dụng. Đồng thời, hoàn thành cập nhật thông tin cung, cầu lao động năm 2019 và nhập thông tin vào phần mềm quản lý, cụ thể: Về phần cung lao động, tổng số hộ được rà soát để thu thập thông tin trên địa bàn toàn tỉnh 451.394 hộ, trong đó có 98.547 hộ có thông tin biến động được thu thập, ghi chép thông tin biến động và nhập thông tin dữ liệu vào phần mềm quản lý; 352.547 hộ không có thông tin biến động. Tổ chức tiến hành điều tra tình hình sử dụng lao động và nhu cầu lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp tại 1.121 doanh nghiệp, hợp tác xã phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cấp 58 Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài (trong đó: cấp mới 37, cấp lại 21 giấy phép) và xác nhận cho 08 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.
Song song đó, toàn tỉnh  đã tiếp nhận và giải quyết cho 6.800 người nộp hồ sơ giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp (trong đó, số người làm việc ở địa phương khác chuyển đến nộp hồ sơ 2.800 người), số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 6.600 người, số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp 95 tỷ đồng; hơn 6.800 người thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, số người thất nghiệp được hỗ trợ học nghề 185 người.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cả khách quan lẫn chủ quan, như: số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động nhiều, số doanh nghiệp thành lập mới ít, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhu cầu tuyển lao động ít. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm duy trì và mở rộng việc làm, xuất khẩu lao động của người lao động cao nhưng nguồn vốn cho vay còn ít và thấp chữa đáp ứng cho người lao động tại địa phương. Công tác thu thập thông tin cung, cầu lao động trên địa bàn gặp nhiều khó do địa bàn rộng; Công tác nhập thông tin biến động về cung, cầu lao động năm 2019 vào phần mềm quản lý gửi về địa phương chậm so với kế hoạch. Phần mềm nhập tin dữ liệu cung, cầu lao động vẫn còn nhiều lỗi nên việc nhập tin biến động thông tin thị trường lao động còn nhiều sai sót. Công tác xuất khẩu lao động tuy có vượt kế hoạch đề ra, nhưng so với nguồn lao động còn hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn và tồn tại nêu trên, trong năm 2020, Đắk Lắk đặt mục tiêu, kế hoạch và phấn đấu giải quyết việc làm cho 30.200 lao động, trong đó đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng 1.200 người. Tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 39.000 lượt người,  giới thiệu việc làm cho 14.500 lượt người; tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm DVVL và lưu động tại các đia phương. Hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 2.300 lao động, với tổng vốn cho vay khoảng 70 tỷ đồng. Phấn đấu duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức 2,5%.
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đắk Lắk đề ra các giải pháp trọng tâm, như:  Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, tư vấn về việc làm, nghề nghiệp bằng nhiều hình thức và triển khai thực hiện một cách thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành của toàn xã hội về dạy nghề, giải quyết việc. Chủ động phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh, UBND huyện, thị xã và thành phố tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm  và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020.
Tăng cường công tác dự báo, phân tích thông tin thị trường lao động, để cung cấp thông tin cho người lao động và doanh nghiêp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, đặc biệt là 02 huyện nghèo như: cho vay vốn giải quyết việc làm, cho vay vốn sản xuất đối với lao động ở vùng khó khăn, cho vay vốn hộ nghèo, hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số… từ nguồn vốn cho vay ưu đãi để tạo việc làm trong nước và nước ngoài. Tập trung đẩy mạnh tuyên truyền về công tác quản lý lao động người nước ngoài, thực hiện tốt việc thẩm định nhu cầu, cấp, cấp lại giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép theo quy định.
Hoàng Cảnh
 
 
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật