Tại buổi làm việc, lãnh đạo Công ty Huê Phong giải thích về tình hình thu hẹp sản xuất, phải cắt giảm lao động do công ty không ký được hợp đồng sản xuất mới và không xuất khẩu được hàng. Lý do, sản phẩm của công ty chủ yếu xuất khẩu vào thị trường Châu âu và Mỹ (chiếm 91% đơn hàng), nên hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; Công ty buộc phải thu hẹp sản xuất chứ không phải phá sản hoặc giải thể và cũng không có phương án chuyển người lao động của nhà máy tại TP.HCM về nhà máy của công ty ở Trà Vinh.
Theo đại diện công ty Huê Phong, phương án cắt giảm công ty đã trao đổi với Công đoàn cơ sở và báo cáo với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về phương án sử dụng lao động, đồng thời tính toán nguồn tài chính để thực hiện phương án cắt giảm lao động đúng pháp luật. Cụ thể, công ty sẽ trả trợ cấp mất việc làm cho những người lao động làm việc cho công ty từ năm 2008 trở về trước với tổng số tiền gần 53 tỉ đồng cho 2.222 lao động. Số lao động bị cắt giảm không có lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Trự sở Công ty cổ phần giày da Huê Phong tại quận Gò Vập, TPHCM
Ngoài ra, công ty trả lương đầy đủ cho công nhân lao động trong thời gian thông báo trước 30 ngày từ 16/5 đến 15/6 với tổng số tiền là 15,7 tỉ đồng. Trong thời gian trên, công nhân không cần đến công ty làm việc. Công ty cũng chốt sổ BHXH để công nhân lao động đi đăng ký thất nghiệp để hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với 122 lao động ký hợp đồng lao động và làm việc chưa đủ 12 tháng, công ty đã tham gia BHXH đến tháng 6/2020 và trả lương đến hết tháng 6/2020 để công nhân lao động có điều kiện tìm việc mới. Công ty hiện vẫn tạo điều kiện cho một số công nhân lao động tiếp tục ở lại ký túc xá của công ty trong thời gian tìm việc làm mới (đến nay còn 12 công nhân lao động đang ở ký túc xá).
Trương Đăng