Tiền lương
Trang chủ / Lao động / Tiền lương
Chính sách tiền lương cần được tiếp tục hoàn thiện khi Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế
10:38 AM 06/06/2016

Trong thời gian tới, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng có tác động mạnh đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN mở ra cho nước ta nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức. Vậy, trong bối cảnh đó, chính sách lao động, tiền lương cần được điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với tình hình mới? Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Lao động và Xã hội xung quanh vấn đề này.

- Ông nhận định thế nào về tiền lương, thu nhập của người lao động năm 2015?

Năm 2015, tình hình kinh tế đã đạt thành tựu với tốc độ tăng trưởng cao (6,68%) kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp ổn định và thuận lợi hơn năm 2014. Vì vậy tiền lương, thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp chắc chắn sẽ ổn định tăng hơn năm 2014 khoảng 5-8%. Theo kết quả điều tra thị trường và điều tra tiền lương tại một số doanh nghiệp do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện cho thấy:

- Tiền lương bình quân năm 2015 ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 8% so với năm 2014, trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 7,04 triệu đồng/tháng, tăng 8% so với năm 2014; Doanh nghiệp tư nhân đạt 4,99 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2014; Doanh nghiệp FDI đạt 5,47 triệu đồng/tháng, tăng 9% so với năm 2014.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân


- Thu nhập bình quân năm 2015 ước đạt 5,91 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 7% so với năm 2014, trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đạt 7,59 triệu đồng/tháng, tăng 7% so với năm 2014; Doanh nghiệp tư nhân đạt 5,33 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2014; Doanh nghiệp FDI đạt 5,89 triệu đồng/tháng, tăng 9% so với năm 2014.

- Trong bối cảnh Hiệp định TPP sẽ được phê chuẩn và có hiệu lực và Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời, theo ông chính sách tiền lương và hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần điều chỉnh như thế nào để chủ động hội nhập khu vực và thế giới?

Trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường của chúng ta tiếp tục hoàn thiện và phát triển, đặc biệt mức độ hội nhập của Việt Nam so với khu vực và thế giới đang diễn ra mạnh mẽ thì việc hoàn thiện thể chế, chính sách (trong đó có cơ chế, chính sách tiền lương) để phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập khu vực, toàn cầu cần phải đặt ra và thực hiện đồng bộ. Trong quá trình hội nhập, bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức đang đặt ra đó là năng lực cạnh tranh chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động còn thấp, vấn đề việc làm, thất nghiệp, tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động còn khó khăn, phức tạp. Vì vậy, khi hội nhập khu vực và quốc tế thì chính sách tiền lương cần phải tiếp tục hoàn thiện theo thị trường, tức là phải theo quy luật giá trị, quy luật cung cầu dựa trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận, Nhà nước tạo hành lang pháp lý để các bên thương lượng thỏa thuận và quy định mức sàn thấp nhất để bảo vệ người lao động. Trong điều kiện năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, chưa được cải thiện nhiều, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao, thị trường lao động chưa phát triển là những cản trở lớn trong quá trình xác định hoàn thiện chính sách tiền lương ở Việt Nam.

Để hạn chế những tác động bất lợi, chủ động hội nhập khu vực và thế giới thì bên cạnh vấn đề nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về lao động, tiền lương và năng suất lao động (như hoàn thiện hệ thống luật pháp phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thanh tra, kiểm tra đảm bảo thực thi luật pháp), Nhà nước tiếp tục thực hiện hoàn thiện thể chế, tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu lao động, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới công nghệ nâng cao kỹ năng cho người lao động, nâng cao năng suất lao động, minh bạch và kết nối thông tin thị trường lao động, đặc biệt thông tin về tiền lương, năng suất lao động của ngành, doanh nghiệp để hỗ trợ hai bên có thông tin thương lượng, thỏa thuận tiền lương; nâng cao năng lực của các bên trong thương lượng về tiền lương, xây dựng quy chế trả lương gắn với kết quả, hiệu quả của từng ngành, từng doanh nghiệp và cá nhân người lao động.

- Bộ luật lao động 2012 chính thức ghi nhận cơ chế hoạt động ba bên: Nhà nước, đại diện người sử dụng lao động, đại diện người lao động trong việc xây dựng chính sách có liên quan đến quyền lợi người lao động. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động cơ chế ba bên trong thời gian qua đối với việc xây dựng chính sách tiền lương nói riêng và chính sách có liên quan đến người lao động nói chung?

Thực ra Bộ luật lao động năm 1994 đã quy định cơ chế ba bên và thực tế trong việc xây dựng chính sách đã thực hiện tốt, hiệu quả vấn đề này. Đến Bộ luật lao động 2012 quy định rõ hơn cơ chế ba bên hoạt động ở cấp quốc gia gồm: nhà nước, đại diện người sử dụng lao động, đại diện người lao động; ở địa phương gồm: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn lao động cấp tỉnh và chi nhánh của VCCI cùng phối hợp trong việc tuyên truyền, triển khai thực hiện chính sách pháp luật trên địa bàn; ở cấp doanh nghiệp là cơ chế 2 bên giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện cho người lao động cùng cấp. Với cơ chế hoạt động nêu trên đã giúp cho các bên tham gia cùng nhà nước xây dựng, hoạch định, triển khai thực hiện chính sách cũng như thương lượng ở cấp quốc gia về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu tạo sự hiểu biết thông cảm và chia sẻ lẫn nhau trong quá trình xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách, trên cơ sở đó đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động theo hướng hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Về cơ chế ba bên trong chính sách tiền lương, đặc biệt là tiền lương tối thiểu thông qua hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã làm thay đổi cơ chế xác định tiền lương tối thiểu vùng phù hợp với nguyên tắc của cơ chế thị trường. Từ chỗ mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ ấn định, chuyển sang giao cho đại diện 3 bên (Hội đồng tiền lương quốc gia) xác định, thương lượng, thỏa thuận và khuyến nghị để Chính phủ công bố. Mặc dù mới được thành lập, nhưng nhìn chung Hội đồng hoạt động rất tích cực và có hiệu quả. Các thành viên trong Hội đồng đều nhìn nhận các vấn đề chung, tình hình kinh tế xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống của người lao động để thỏa thuận mức lương tối thiểu cho phù hợp. Tuy nhiên do lợi ích khác nhau, cho nên trong quá trình thương lượng ý kiến đại diện các bên cũng còn rất khác. Bên đại diện người lao động thường đề nghị mức tăng cao để sớm đạt nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, trong khi bên đại diện người sử dụng lao động xuất phát từ tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn để đề nghị mức tăng thấp. Vì vậy, Hội đồng phải tổ chức rất nhiều cuộc thương lượng để thỏa thuận, thống nhất mức lương tối thiểu bảo đảm hài hòa lợi ích mà các bên có thể chấp nhận được trên cơ sở đó, Hội đồng khuyến nghị với Chính phủ quyết định.

 

Hằng năm Chính phủ xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với mức tiền lương, quan hệ cung cầu, giá cả sinh hoạt của từng vùng

Trong thời gian tới, Hội đồng sẽ tập trung theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người lao động để tăng hiệu quả thương lượng, thỏa thuận và xác định lộ trình tiền lương tối thiểu cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu các cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn liên quan đến việc tính toán, điều chỉnh mức lương tối thiểu; đồng thời Hội đồng sẽ nghiên cứu các vấn đề tác động của tiền lương, tiền lương tối thiểu đến việc làm, thất nghiệp và các nội dung khác liên quan làm cơ sở cho việc điều chỉnh mức lương tối thiểu.

- Hiến pháp năm 2013 quy định “nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động”. Đây là lần đầu tiên Hiếp pháp nước ta quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Theo ông quy định này sẽ tạo ra sự khác biệt như thế nào trong lĩnh vực tiền lương nói riêng và trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động nói chung?

Trên thực tế, trong hệ thống pháp luật về lao động của Việt Nam từ năm 1994 đã khẳng định Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp năm 2013 thì việc Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động được chính thức đưa vào Hiến pháp, sẽ tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.    

Về tiền lương, Nhà nước tôn trọng kết quả thỏa thuận về tiền lương giữa người lao động và người sử dụng lao động khi thực hiện một công việc nhất định. Người lao động sẽ được trả lương đầy đủ, đúng hạn theo mức lương đã thỏa thuận. Nhà nước quy định mức lương tối thiểu nhằm bảo vệ, bảo đảm cho người lao động có mức lương bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu đối với người lao động làm công việc giản đơn, trình độ chuyên môn; trình độ tay nghề không cao. Đồng thời Nhà nước cung cấp thông tin tiền lương trên thị trường, hỗ trợ để hai bên thương lượng tiền lương; quy định các chế tài xử lý, giám sát việc thực hiện để bảo đảm cho người lao động được hưởng chế độ tiền lương theo như thỏa thuận của hai bên.

- Pháp luật lao động đã có các quy định nhằm đảm bảo lương của người lao động được trả đầy đủ và đúng thời hạn. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng trả lương không đầy đủ, không đúng hạn, nợ lương. Thậm chí có doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán nhưng vẫn tiếp tục nợ lương và chấp nhận bị phạt hành chính. Theo ông nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên và giải pháp xử lý nên thế nào?

Theo quy định của pháp luật lao động thì người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn (thời hạn trả lương do hai bên thỏa thuận vào thời điểm cố định trong tháng). Trên thực tế, về cơ bản các doanh nghiệp đều thực hiện trả lương đúng quy định của pháp luật và theo thỏa thuận. Tuy vậy vẫn còn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp trả lương không đầy đủ, không đúng hạn, nợ lương của người lao động. Có những doanh nghiệp có đủ khả năng thanh toán nhưng vẫn nợ lương người lao động.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết là do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, thua lỗ không có khả năng thanh toán ngay tiền lương của người lao động. Bên cạnh đó vai trò giám sát, bảo vệ người lao động của công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp này còn hạn chế; về phía Nhà nước quy định các chế tài xử lý còn nhẹ, cho nên một số doanh nghiệp nhỏ, lợi dụng sẵn sàng tạm thời chiếm dụng, nợ lương người lao động để có lợi hơn cho mình so với việc bị xử phạt hành chính.

Để giải quyết tình trạng trên cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp để tăng cường hệ thống thanh kiểm tra giám sát, nâng các mức xử phạt để xử lý những doanh nghiệp cố tình không thực hiện đúng quy định; từng bước nâng cao vai trò bảo vệ người lao động của tổ chức công đoàn cơ sở. 

- Ở nước ta tiền lương tối thiểu vừa được quy định theo vùng, theo ngành và được điều chỉnh trong những thời điểm nhất định để bảo đảm tiền lương tối thiểu phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người lao động, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, những địa phương có giá sinh hoạt cao hơn các khu vực khác. Vậy ý kiến của ông về tình trạng trên như thế nào và trong thời gian tới chính sách lao động, tiền lương có điều chỉnh gì để giải quyết vấn đề này?

Theo quy định của Bộ luật Lao động thì mức lương tối thiểu được xác định theo tháng, theo ngày, theo giờ. Mức lương tối thiểu bao gồm mức lương tối thiểu theo vùng và mức lương tối thiểu theo ngành, trong đó mức lương tối thiểu theo vùng do Chính phủ công bố theo từng thời kỳ trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia; mức lương tối thiểu theo ngành được xác định thông qua thỏa ước lao động tập thể ngành và không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo vùng do Chính phủ công bố. Mức lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Căn cứ quy định của pháp luật lao động, hằng năm Chính phủ xem xét điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng phù hợp với mức tiền lương, quan hệ cung cầu, giá cả sinh hoạt của từng vùng. Theo đó, mức lương tối thiểu hiện nay được chia thành 4 vùng, mỗi vùng chênh lệch khoảng 13%, vùng I chênh lệch khoảng 45% so với vùng IV (từ ngày 01/01/2016 mức lương tối thiểu vùng I là 3,5 triệu đồng, vùng II là 3,1 triệu đồng, vùng III là 2,7 triệu đồng và vùng IV là 2,4 triệu đồng/tháng). Các mức lương do Chính phủ điều chỉnh về cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng thanh toán của doanh nghiệp, không gây tác động lớn, tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu nhìn chung còn thấp, chưa bảo đảm được “nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” theo quy định của Bộ luật Lao động, cho nên đời sống của người lao động nói chung, đặc biệt ở các địa bàn vùng I (như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có giá cả sinh hoạt cao). Vì vậy, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, trong đó phải theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình tiền lương, thu nhập, việc làm của người lao động để xác định lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cho phù hợp và tiến tới bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động theo quy định của pháp luật lao động./.

Thảo Lan (thực hiện)

TAG:
Tin khác
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp