Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Cần Thơ hỗ trợ 3.652 người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68
08:16 AM 02/09/2021
(LĐXH)- Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ, tính đến ngày 31/8/2021, toàn thành phố đã hỗ trợ 3.652 người sử dụng lao động, tương ứng 76.304 người, với kinh phí trên 46,334 tỷ đồng, đạt 97,13% so với số lượng được phê duyệt.
Thành phố Cần Thơ là một trong 19 tỉnh, thành phố phía Nam phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, thành phố phải thực hiện giãn cách đến 00 giờ ngày 08/9/2021.
Tính đến thời điểm 31/8, thành phố Cần Thơ có gần 10.000/11.298 doanh nghiệp dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện phương án hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”, trong Khu Công nghiệp của Cần Thơ còn 13/170 doanh nghiệp đang hoạt động, tương ứng với 1.270/40.526 lao động, chiếm 3,13%. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 157 đơn vị, lao động tạm ngừng việc là 39.256 (chiếm tỷ lệ 96,87%).

Triển khai chốt chặn phòng chống dịch Covid-19 tại Khu Công nghiệp Trà Nóc (thành phố Cần Thơ)

Đối với doanh nghiệp ngoài Khu Công nghiệp, thành phố còn 45/920 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng số lao động 2.726/29.367 lao động. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất với trên 100 lao động hiện có 07/38 doanh nghiệp hoạt động, tạm dừng 31 doanh nghiệp với tổng số lao động là 1.165/11.072 lao động; doanh nghiệp sản xuất dưới 100 lao động có 38/882 doanh nghiệp, với tổng số lao động là 1.561/18.295 người (chiếm 8,53%).
Trong 3 khu vực thì lao động khu vực nông – lâm - nghiệp và thủy sản chịu ít tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 nhiều nhất; khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Một số ngành bị ảnh hưởng mạnh như: nghệ thuật, vui chơi giải trí, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành…
Với tinh thần khẩn trương, kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, cả hệ thống chính trị ở thành phố Cần Thơ đã quyết liệt vào cuộc và bước đầu đạt những kết quả ghi nhận.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ, tính đến ngày 31/8/2021, toàn thành phố đã hỗ trợ 3.652 người sử dụng lao động, tương ứng 76.304 người, với kinh phí trên 46,334 tỷ đồng, đạt 97,13% so với số lượng được phê duyệt.
Cụ thể, toàn thành phố đã hoàn thành hỗ trợ 3.650 người sử dụng lao động, tương ứng với 68.406 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất,  với tổng số tiền trên 35,157 tỷ đồng. Nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP), Cần Thơ đã chi hỗ trợ cho 7.408/9.660 lượt người, kinh phí trên 9,278 tỷ đồng, đạt 77,73% so với số lượng được phê duyệt. Nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP), thành phố đã giải ngân cho 05 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho 490 người lao động, tổng kinh phí cho vay là hơn 1,898 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ còn phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tham mưu UBND thành phố sử dụng Quỹ “Vì người nghèo” thành phố hỗ trợ cho đối tượng là hộ gia đình khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với mức 500.000 đồng/hộ với tổng kinh phí 900 triệu đồng (khoảng 1.800 hộ); hỗ trợ cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mức 900.000 đồng/hộ với tổng kinh phí 2,85 tỷ đồng, tổng số là 3.167 hộ (1.032 hộ nghèo, 2.135 hộ cận nghèo) theo phân bổ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Công văn số 2754/MTTW-BTT ngày 05/8/2021 và Công văn số 1088/MTTQ-BTT ngày 16/8/2021 của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố.
 Cần Thơ có 13 doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp thực hiện phương án hoạt động sản xuất “3 tại chỗ”
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ cũng đã có Tờ trình số 2909/TTr-SLĐTBXH gửi UBND thành phố về việc đề xuất chính sách hỗ trợ cho trên 68.000 hộ, gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình đối tượng bảo trợ xã hội, hộ gia đình dân tộc Khmer, hộ gia đình người có công với cách mạng; phòng trọ công nhân lao động ở trọ, phòng trọ sinh viên ở trọ) với kinh phí gần 34,5 tỷ đồng (mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ).
Ngoài ra, thành phố Cần Thơ còn ban hành các văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng hỗ trợ về tín dụng; đề nghị Điện lực thành phố và các Công ty cấp nước hỗ trợ miễn, giảm tiền điện, tiền nước cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19…
Theo Sở Lao động – Thương bình và Xã hội Cần Thơ, do tình hình diễn biến khá phức tạp của dịch Covid-19 tại thành phố, số ca F0 tăng nhanh, có ca tử vong do dịch Covid-19; Cần Thơ lại đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, nên thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai hỗ trợ các nhóm chính sách quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, đã ít nhiều đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều người dân, doanh nghiệp có tâm lý chờ hết dịch bệnh mới thực hiện, chưa chủ động thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia nên số lượng ở một số chính sách còn ít hoặc chưa phát sinh...
Ngọc Minh Châu
TAG:
Tin khác
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024