Tiền lương
Trang chủ / Lao động / Tiền lương
Cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo thêm động lực và sức mạnh xây dựng đất nước
02:18 PM 05/03/2020
(LĐXH) – Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp được tổ chức vào chiều 4/3 trong phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công để cho ý kiến vào một số đề án. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giữ trọng trách Trưởng Ban.
Thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động và thành lập Ban chỉ đạo để xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Sau gần 1 năm triển khai, đến nay, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo được bầu cử và bổ nhiệm trong hệ thống chính trị và bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo đang được tích cực xây dựng. Đây được là cuộc cách mạng với quyết tâm chính trị rất lớn sau nhiều nhiệm kỳ gần đây.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bảng lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn thể chính trị và các tổ chức xã hội, người nghỉ hưu và có công với nước là một vấn đề rất quan trọng, có ảnh hướng rất lớn tới xã hội. Vì thế, các thành viên của Ban chỉ đạo phải bám sát Nghị quyết của Đảng và Chương trình hành động của Chính phủ để cho ý kiến cụ thể vào dự thảo các bảng lương mới, bảo đảm mức lương mới phải cao hơn mức lương cũ và tương đối công bằng, nhằm tạo thêm động lực và sức mạnh xây dựng và phát triển đất nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng giao các bộ liên quan tổ chức các cuộc hội thảo để lắng nghe ý kiến góp ý của giới chuyên gia vào các bảng lương mới, trước khi hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền quyết định. Nếu được thông qua, việc cải cách chính sách tiền lương sẽ được thực hiện vào khoảng giữa năm 2021, đúng mục tiêu của Nghị quyết 27. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị sẽ được áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất.
Thủ tướng cũng giao Ban chỉ đạo xây dựng chương trình truyền thông nhằm tạo đồng thuận cao trong xã hội về các bảng lương mới, đồng thời nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách tiền lương hưu, nhất là đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nghỉ hưu trước năm 1995, cùng với tiếp tục nghiên cứu cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, để có điều chỉnh phù hợp. Việc này cũng hết sức quan trọng, thể hiện sự tri ân của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã đã hi sinh xương, máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Đồng thời, Bộ Tài chính và chính quyền các địa phương chuẩn bị nguồn ngân sách để thực hiện cải cách tiền lương theo hướng hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương cùng với khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, để bảo đảm bảo bền vững các địa phương phải nhất quán thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm biên chế theo phương châm lộ trình tăng lương phải đi cùng với lộ trình giảm biên chế, nhất là ở các đơn vị sự nghiệp công lập.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội để có phương án xác định, tính toán điều chỉnh cho phù hợp với lương hưu từng thời kỳ, nhất là đối với lương hưu từ trước năm 1995. Đối với điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho người có công, thân nhân người có công, Thủ tướng chỉ đạo cần hết sức quan tâm, bởi đây là chính sách đặc biệt, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự tri ân của đất nước, dân tộc. Trước mắt, năm 2020 tiếp tục điều chỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội. Từ năm 2021 điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương.
Trước đó, Bộ Nội vụ đã có công văn đề nghị các bộ, cơ quan hoàn thiện báo cáo chính thức về xây dựng bảng lương và phụ cấp theo nghề căn cứ dự thảo thiết kế bảng lương mới. Đến đầu năm 2020, đã có 28/36 bộ, cơ quan trung ương và 41/63 UBND tỉnh, thành trực thuộc trung ương đã gửi báo cáo.
Ban Tổ chức trung ương đã dự thảo và lấy ý kiến các nội dung báo cáo rà soát các chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở và dự kiến xây dựng bảng phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị. Đồng thời xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo và phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Theo đó, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương, nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Chính phủ ban hành nghị quyết 107 về chương trình hành động thực hiện nghị quyết 27. Hiện, đang cân nhắc thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào ngày 1-1-2021 hay 1-7-2021, tùy theo sự chuẩn bị của các cơ quan liên quan.
Hà Giang
 

 

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Thanh Hóa: Nhiều kết quả đáng ghi nhận từ dự án hỗ trợ việc làm bền vững
Huyện Yên Bình (Yên Bái) tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động
Hà Tĩnh xây dựng Sàn giao dịch việc làm hỗ trợ thông tin việc làm bền vững
Hà Giang chủ động cung cấp thông tin thị trường lao động tạo việc làm bền vững cho hộ nghèo
Huyện Phong Thổ (Lai Châu): Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động
Nam Định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo việc làm cho người lao động
Huyện Trà Cú (Trà Vinh) tổ chức thu thập thông tin thị trường lao động
Thành phố Hà Giang tạo điều kiện tối đa để lao động hộ nghèo tiếp cận việc làm bền vững
Đăk Tô tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững