An toàn lao động
Trang chủ / Lao động / An toàn lao động
Cà Mau: Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp
03:39 PM 31/07/2023
(LĐXH)-Thời gian qua, các Sở, ban, ngành, địa phương, người sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động hiệu quả, thiết thực, nâng cao được nhận thức, ý thức chủ động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho cán bộ, người sử dụng lao động, người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 09 vụ tai nạn lao động, trong đó có 05 vụ tai nạn lao động chết người, 02 vụ tai nạn lao động bị thương nặng, 02 vụ tai nạn lao động bị thương. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ tai nạn lao động tăng 07 vụ, số người chết tăng 03 người.
Theo đánh giá, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn những nhân tố khó lường, khó kiểm soát, đòi hỏi tiếp tục phải có những biện pháp quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và bản thân người lao động để hạn chế mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động có thể xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng, công trình, điện.
Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động là một yêu cầu quan trọng cần thực hiện trong quá trình sản xuất, kinh doanh
Trước tình hình tai nạn lao động vẫn xảy ra, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tổ chức các hoạt động lớp tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ cho người quản lý phụ trách công tác ATVSLĐ, người lao động làm công tác ATVSLĐ nói riêng và người lao động tham gia sản xuất nói chung. Rà soát, xây dựng, niêm yết, khai báo quy trình vận hành các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người sử dụng lao động và người lao động về việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Riêng Thành hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch treo 50 Băng gol, câu khẩu hiệu tuyên truyền về ATVSLĐ, phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh đưa tin tuyên truyền trên 01 tin/bài, phóng sự với thời lượng 10 phút.
Bên cạnh đó, các Sở, ngành, địa phương cũng tích cực phối hợp chặt chẽ để thống nhất trong chỉ đạo thực hiện công tác ATVSLĐ nhằm tác động tích cực đến việc triển khai thực hiện công tác bảo hộ lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời đã củng cố, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về công tác ATVSLĐ của lãnh đạo các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, nhằm bảo vệ sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người lao động, người sử dụng lao động, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để kịp thời phát hiện những thiếu sót trong việc thực hiện đảm bảo công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc, đặc biệt là trong sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, từ đó kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ, ngăn ngừa tai nạn lao động, các cấp, các ngành, các địa phương của tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về ATVSLĐ. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng chủ động thực hiện tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ, rà soát phát hiện các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, từ đó sửa đổi, bổ sung các nội quy, quy trình để hướng dẫn người lao động làm việc an toàn.
Riêng trong Thành hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2023 đã có 132 cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 966 cơ sở, doanh nghiệp, phát hiện 42 vi phạm; các đơn vị, doanh nghiệp đã thực hiện 107 cuộc tự kiểm tra về công tác ATVSLĐ, phát hiện 38 nguy cơ, rủi ro gây mất ATVSLĐ, thực hiện xây dựng, bổ sung 12 nội quy, quy trình làm việc an toàn. Qua thanh, kiểm tra, đa số các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, thực hiện đúng quy định như: phân công cán bộ làm công tác an toàn, thực hiện chế độ tự kiểm tra công tác bảo hộ lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân theo danh mục nghề. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, chưa quan tâm đến công tác bảo hộ lao động, không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, không đo đạc môi trường lao động, không tham gia đóng các loại bảo hiểm xã hội cho người lao động… Qua đó, đã nhắc nhở các đơn vị thực hiện tốt pháp luật lao động, ATVSLĐ; kiến nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục những thiếu sót không đảm bảo ATVSLĐ.

Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, tỉnh Cà Mau đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong công tác ATVSLĐ. Thường xuyên kiểm tra một số doanh nghiệp về công tác ATVSLĐ và triển khai tập huấn các lớp về các chính sách liên quan đến ATVSLĐ. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền về BHXH, BHYT, BHTN và ATVSLĐ. Hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện các biện pháp ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp./.

Minh Hạnh

TAG:
Tin khác
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động