Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Xây dựng văn bản dưới luật phải hướng tới lợi ích của người dân
10:50 PM 11/03/2020
(LĐXH)- “Các văn bản pháp luật được Quốc hội và Chính phủ giao, Bộ Lao động - TBXH cần phải lấy lợi ích của người dân, lấy sự hài lòng của người dân, người lao động, doanh nghiệp, của cơ quan quản lý Nhà nước để đáp ứng yêu cầu xây dựng...”
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung đối với các đơn vị chuyên môn của Bộ về quá trình xây dựng dự thảo các thông tư, nghị định quy định chi tiết nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi) tại cuộc họp rà soát công tác xây dựng thể chế của Bộ Lao động – TBXH vào ngày 11/3/2020 tại Hà Nội.
Tham dự cuộc họp có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Thị Hà, Lê Quân cùng thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Lao động – TBXH.
Quang cảnh ccuộc họp rà soát công tác xây dựng thể chế của Bộ Lao động – TBXH 
Giao thời hạn hoàn thành dự thảo các Nghị định
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Bộ luật Lao động 2019 có phạm vi, đối tượng rất rộng lớn liên quan tới hàng chục triệu lao động có quan hệ lao động, chưa có quan hệ lao động trong cả khu vực chính thức và phi chính thức trên cả nước. Bộ luật Lao động với 17 chương và 220 Điều với nhiều nội dung mới và rất là lớn, thậm chí có những nội dung Việt Nam chúng ta chưa có tiền lệ. Tuy nhiên do còn một số vấn đề vẫn cần tiếp tục lấy ý kiến và nội luật hóa như thế nào để đảm bảo theo công ước quốc tế thì vẫn phải ban hành 22 văn bản khác nhau, gồm 14 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 08 Thông tư của Bộ Lao động - TBXH.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, xây dựng văn bản dưới luật phải hướng tới lợi ích của người dân
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Trong kế hoạch năm 2020, Bộ Lao động - TBXH cần xây dựng 96 đề án, các dự án luật; hồ sơ gia nhập công ước, nghị định, quyết định… Liên quan tới Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi), Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - TBXH xây dựng 22 dự thảo nghị định, quyết định, thông tư liên quan. Dù thời gian không còn nhiều và khối lượng công việc rất lớn, lãnh đạo Bộ vẫn khẳng định cam kết khi Bộ luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, các nghị định trình Chính phủ, thông tư và văn bản dưới luật do Bộ chủ trì xây dựng sẽ đồng thời  được ban hành, khắc phục tình trạng Bộ luật phải chờ nghị định, chờ văn bản dưới luật.
"Trong Bộ luật Lao động có nhiều vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo như tổ chức đại diện của người lao động như thế nào, điều kiện thành lập, vấn đề người đứng đầu tổ chức bộ máy, bao nhiêu hội viên, quyền liên kết như thế nào, vấn đề thương lượng ra sao, tiền lương tối thiểu ra sao, tuổi nghỉ hưu, đảm bảo bình đẳng giới, vấn đề lao động trẻ em trong môi trường. Tất cả những vấn đề đó các đơn vị phải nghiên cứu rất thấu đáo làm sao để vừa phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn giải quyết khúc mắc và phù hợp với các cam kết quốc tế" – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu ý kiến tại cuộc họp
“Thời gian chuẩn bị cho các văn bản trên chỉ còn 3 tháng, với khối lượng khổng lồ thì đòi hỏi cả sự quyết tâm và cách làm khoa học. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện lộ trình, tới ngày 1/6/2020, các dự thảo Nghị định, thông tư sẽ được đăng tải công khai trên mạng internet để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân cũng như các Bộ, ngành… Sau đó mới trình Chính phủ xem xét và thông qua” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lưu ý.
Xây dựng quy định cần hướng tới lợi ích người dân
Trong nhiều dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết Luật Lao động 2012 (sửa đổi) và các lĩnh vực liên quan, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý nhiều vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. "Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đặc biệt là quy định kéo dài tuổi nghỉ hưu của một số đối tượng. Với trường hợp tuổi nghỉ hưu cao hơn quy định, chúng ta cần làm rõ hơn những đối tượng này? sau khi nghỉ hưu sẽ có quyền thế nào? Nên cân nhắc việc chuyển đổi tư cách làm việc của họ thành chuyên gia với tiêu chuẩn về sức khoẻ, trình độ, nguyện vọng cá nhân và nhu cầu của tổ chức...” - Bộ trưởng, gợi ý.
Vụ trưởng Vụ Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng trình bày lộ trình xây dựng văn bản hướng dẫn của đơn vị
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh các vấn đề dù khó nhưng đã có cơ sở thực tiễn, nhiều nội dung mới, chưa từng có tiền lệ đã đặt ra thách thức với bộ phận soạn thảo, như: Quy định tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, mối quan hệ giữa tổ chức này với công đoàn Việt Nam ra sao, cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép hoạt động… Cụ thể, nội dung Bộ luật Lao động chỉ quy định là điều kiện thành lập và người đứng đầu tổ chức bộ máy ban đầu. Còn nhiều vấn đề cụ thể đòi hỏi sự tham khảo thông lệ quốc tế và vận dụng, như: Có bao nhiêu hội viên thì được thành lập tổ chức? quyền liên kết như thế nào? vấn đề thương lượng ra sao? Về vấn đề tổ chức đại diện tổ chức của người lao động tại cơ sở, nhiều nội dung mới được đặt ra như: Điều kiện để thành lập tổ chức đó như thế nào? Công đoàn cơ sở chỉ cần 5 thành viên trở lên được thành lập, nhưng với mô hình này cần bao nhiêu thành viên để được thành lập tổ chức? tổ chức đại diện của người lao động ở những doanh nghiệp tới vài chục ngàn người lao động sẽ được tính quy định khác doanh nghiệp nhỏ hay siêu nhỏ ra sao? Bên cạnh đó, vấn đề thách thức còn xuất hiện khi quy định về quan hệ liên kết ngang và liên kết dọc sẽ như thế nào? Vấn đề là một người lao động có được tham gia một tổ chức hay nhiều tổ chức? cơ cấu thế nào?
Liên quan tới việc điều chỉnh mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động của doanh nghiệp xuống thấp hơn mức 0,5%, vừa qua, Bộ Lao động – TBXH đã trình cấp Chính phủ đề xuất việc giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người sử dụng lao động từ 0,5% xuống còn 0,3%; quy định danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm…
Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình báo cáo về tiến độ xây dựng các văn bản của Cục
“Đây là chính sách nhằm khuyến khích ý thức của doanh nghiệp trong việc phòng chống tai nạn lao động. Tuy nhiên, cần làm rõ số lượng doanh nghiệp được thụ hưởng nếu chính sách ban hành? Đối với doanh nghiệp mà có nhiều người bị tai nạn thì thế nào? đơn vị có lực lượng lao động lớn ra sao? Làm sao cần tính toán để có thể vừa giảm mức đóng nhằm hỗ trợ cho người lao động, đồng thời hỗ trợ cho cả doanh nghiệp phát triển"- Bộ trưởng, lưu ý.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: Các văn bản pháp luật được Quốc hội và Chính phủ giao, chúng ta cần phải lấy lợi ích của người dân, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, của cơ quan quản lý Nhà nước để đáp ứng yêu cầu xây dựng. Bộ luật Lao động sửa đổi khi vận hành sẽ mở đường cho xây dựng mối quan hệ lao động mới, một thị trường lao động mới, đồng bộ, lành mạnh và hội nhập.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhiều cuộc họp và hội nghị liên quan tới việc lấy ý kiến góp ý về các dự thảo thông tư, nghị định có thể khó tổ chức vì dịch Covid-19. Bộ vẫn không thể bỏ qua các quy trình, nguyên tắc.  Vì vậy, chúng ta cần tăng cường các giải pháp về công nghệ thông tin. Lấy ý kiến qua mạng, qua hệ thống các cơ quan thông tấn báo chí, qua góp ý của chuyên gia qua thư điện tử…

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật