Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kiểm tra công tác hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP tại Thái Nguyên
10:01 AM 17/07/2021
(LĐXH)- Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cùng đoàn công tác của Bộ đã tới làm việc tại 2 doanh nghiệp đầu tiên hoàn thiện thủ tục đăng ký nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng, theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Cùng dự buổi làm việc có Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến, đại diện Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội và BHXH tỉnh Thái Nguyên.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với các doanh nghiệp tại Thái Nguyên
Tại buổi làm việc với Công ty TNHH Hà Lan (thành phố Thái Nguyên), Giám đốc Nguyễn Thị Minh Thọ đã báo cáo với đoàn công tác về tình hình hoạt động sản xuất khó khăn của công ty do tác động của dịch bệnh COVID-19. "Tới thời điểm này, 200/300 xe ô tô làm dịch vụ vận tải của công ty không hoạt động. Hơn 400 công nhân phải nghỉ việc trong tháng 7" - bà Nguyễn Thị Minh Thọ, cho biết.
Theo Giám đốc Nguyễn Thị Minh Thọ, dự kiến thời gian này, Công ty có kế hoạch vay hơn 3 tỷ đồng theo chính sách của Nghị quyết 68/NQ-CP để phát triển sản xuất và trả lương cho 260 lao động.
Thái Nguyên trao biển tượng trưng hỗ trợ 33 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của Công ty TNHH Giáo dục mầm non Hoa Trạng Nguyên
Tương tự, bà Hà Thị Tuyết, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục mầm non Hoa Trạng Nguyên (thành phố Thái Nguyên), cho biết: Công ty cũng gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, với 70% trong số 133 lao động phải ngừng và giãn việc. Thu nhập trung bình hàng tháng của người lao động giảm từ 4,7 triệu đồng/người (năm 2020) xuống còn 2,3 triệu đồng/người (năm 2021). “Giáo dục mầm non nói chung và giáo viên mầm non tư thục nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, thiệt thòi so với mầm non công lập cũng như giáo viên trong biên chế Nhà nước…” - Giám đốc Hà Thị Tuyết, chia sẻ.
Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Nguyễn Quang Thịnh, thông tin về công tác tiếp nhận, giải ngân vốn vay hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP
Thông tin thêm với Bộ trưởng và đoàn công tác tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Thịnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Hiện tại, Chi nhánh đã tiếp nhận, hướng dẫn xong cho doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục vay vốn trả lương cho 260 người lao động ở Công ty TNHH Hà Lan, tương đương hơn 3 tỷ đồng. Việc giải ngân sẽ được thực hiện ngay trong tới…
Bà Nguyễn Thị Minh Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Hà Lan báo cáo tình hình khó khăn do dịch bệnh COVID-19 
Cũng tại buổi làm việc, UBND tỉnh Thái Nguyên công bố quyết định phê duyệt hơn 133 triệu đồng hỗ trợ 33 người lao động của Công ty TNHH Giáo dục mầm non Hoa Trạng Nguyên thuộc diện tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, theo tinh thần Nghị Quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội trao tượng trưng số tiền giải ngân vay vốn cho doanh nghiệp
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Giáo dục mầm non tư thực và giao thông vận tải là những lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu trong lúc này.
"Chính vì vậy, khi tham mưu xây dựng dự thảo Nghị quyết 68/NQ-CP trình Chính phủ, tôi đã đề nghị nêu rõ đối tượng ưu tiên đặc biệt và không cần tiêu chuẩn gì cả, gồm: ngành giao thông vận tải, du lịch, đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Quang cảnh buổi làm việc với Công ty TNHH Giáo dục mầm non Hoa Trạng Nguyên
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ những khó khăn từ tác động của COVID-19 tới lĩnh vực giáo dục, trong đó, các trường mầm non tư thực gặp nhiều khó khăn nhất. Đồng thời, lưu ý lãnh đạo Công ty TNHH Giáo dục mầm non Hoa Trạng Nguyên và Công ty TNHH Hà Lan cần nghiên cứu kỹ các nội dung của Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tìm hiểu tình hình sản xuất và đời sống của người lao động
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Bên cạnh hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động và phát triển sản xuất, Nghị quyết 68/NQ-CP còn có nhiều chính sách hỗ trợ với tính ưu việt, thủ tục thông thoáng, như: hỗ trợ một lần tới người lao động ngưng việc; giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất... Riêng về chính sách bảo hiểm an toàn vệ sinh lao động, Công ty sẽ được hỗ trợ không phải đóng trong tối đa một năm, nhưng người lao động (có tham gia BHXH) vẫn được hưởng đầy đủ chế độ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm hỏi công tác dạy và học tại Công ty TNHH Hoa Trạng Nguyên
Đặc biệt với nhóm lao động ngừng việc ở 2 Công ty trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý việc cần tranh thủ nguồn hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng để đào tạo lại người lao động trong lúc khó khăn. Đây vừa là cách giữ chân người lao động và nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc trong bối cảnh mới.
"Việc đào tạo người lao động còn giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động và thiếu nhân lực khi tình hình phục hồi trở lại" - Bộ trưởng, nhấn mạnh.

Hoàng Mạnh – Trần Thắng

TAG:
Tin khác
Vĩnh Long: Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền hướng dẫn chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
Hà Nội thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển lao động
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025