Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Để xảy ra tiêu cực từ gói hỗ trợ là có tội với dân”
02:07 PM 14/07/2021
(LĐXH)- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu ngành Lao động các tỉnh, thành giảm bớt thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ.
Bớt giảm thủ tục để tiền sớm đến tay người dân
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng trong lĩnh vực người lao động, người có công và xã hội; thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg vào sáng 14/7, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung yêu cầu ngành Lao động các tỉnh, thành giảm bớt thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ triển khai gói 26.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng đã nhắc nhở một số Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn chậm trong việc triển khai gói hỗ trợ tới người lao động, nhất là tới đối tượng lao động tự do.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị
Với phương châm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, Bộ trưởng nhấn mạnh các địa phương cần giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền nhanh đến tay người bị ảnh hưởng bởi đại dịch, vì hiện nhiều nơi đang giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
“Nếu chậm triển khai là chúng ta có lỗi với dân. Nếu để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội với dân. Chúng ta phải làm bằng lương tâm, trách nhiệm để gói hỗ trợ đến được tay người dân sớm nhất. Các địa phương cần chủ động ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do; cần đơn giản tối đa thủ tục hành chính, không cần thêm gì nữa” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng hoan nghênh sự chủ động của một số tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đồng Nai... Cụ thể, Đồng Nai ngày 13/7 đã ban hành quyết định hỗ trợ, trong đó có nhiều chính sách cụ thể cho lao động tự do. Theo lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Nai, tỉnh dự kiến dành khoảng 45.000 tỷ đồng hỗ trợ 30.000 lao động tự do, với mức 1,5 triệu đồng một người, chi trả một lần.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB&XH TP HCM, cho biết HĐND thành phố ngày 25/6 đã thông qua gói an sinh hỗ trợ người dân gặp khó vì đại dịch Covid-19 với tổng kinh phí 886 tỉ đồng, để hỗ trợ 6 nhóm đối tượng, trong đó có 230.000 lao động tự do.
Đến ngày 13/7, đã có 46% lao động tự do được nhận mức hỗ trợ tối đa 50.000 đồng/người/ngày trong thời gian 30 ngày, từ 31/5 đến 29/6. TP HCM cũng tiếp tục có chính sách hỗ trợ lao động tự do trong 2 tuần thành phố phải phong tỏa để chống dịch vẫn với mức 50.000 đồng/người/ngày, trong 15 ngày.
Dự kiến từ nay đến 23/7, thành phố sẽ bước vào đợt cao điểm chi trả tiền cho người lao động bị ảnh hưởng. Ngoài ngân sách, TP HCM vận động các nguồn khoảng 87 tỷ đồng để hỗ trợ cho người lao động trong thời điểm khó khăn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã ghi nhận và đánh giá cao khi TP HCM rất cố gắng và có những bước vào cuộc, triển khai hỗ trợ rất nhanh cho người lao động, doanh nghiệp. Trong khi nhiều địa phương chưa triển khai Quyết định 23 của Thủ tướng thì TP HCM đã hoàn thành thực hiện chi trả hỗ trợ cho gần 50% lao động tự do, và cam kết trong ngày 15/7 sẽ chi trả hỗ trợ cho toàn bộ 230.000 lao động tự do, hoàn thành công tác hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ trong tháng 7.
Bộ trưởng đánh giá TP HCM đang đi đúng hướng, đặc biệt là ưu tiên lao động tự do "còn vượt lên tinh thần của Nghị quyết 68". Bộ trưởng đề nghị thành phố "chạy song song" hỗ trợ các nhóm cùng lúc chứ không đợi nhóm này xong mới làm nhóm khác. Với lao động tự do, ông nhắc thêm các tỉnh thành ngoài tiền nên có thêm hình thức hỗ trợ như cây ATM gạo, rau xanh, nhu yếu phẩm, lương thực trong những ngày giãn cách, cách ly.
Sự nỗ lực của toàn ngành
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, chưa bao giờ làn sóng dịch Covid-19 lại ảnh hưởng nặng nề như bây giờ. Cùng với đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu thì Covid-19 còn khiến nguy cơ đứt gãy chuỗi nguồn lao động trở nên hiện hữu. Sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 3,8 triệu trên 11 triệu lao động trực tiếp). Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn... bị ảnh hưởng và chịu tác động mạnh mẽ hơn.
Theo thống kê, đợt dịch lần thứ 4 đã khiến 130.000 lao động của tỉnh Bắc Giang bị dừng hoạt động trong đợt 4. Sau hơn 1 tháng, tới nay mới có 80.000 đã đi làm trở lại. Về khu vực phía Nam, trong 2 tuần qua, nhiều tỉnh, thành như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt là TP HCM có tới 1,6 triệu lao động, Bình Dương có 1,2 triệu, Đồng Nai có 1 triệu lao động bị tác động trực tiếp. Công ăn việc làm, đời sống người lao động đang đặt ra gánh nặng rất lớn. Tình trạng người lao động rút BHXH một lần, nhận bảo hiểm thất nghiệp gia tăng…
Trong bối cảnh đó, toàn ngành LĐTB&XH đã nỗ lực rất lớn, thực hiện bài bản, chặt chẽ. Rút kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg do Bộ tham mưu, được Chính phủ ban hành đã được dư luận đồng tình với những chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động thiết thực, hiệu quả.
Tính đến ngày 14/7, Bộ LĐTB&XH đã nhận được 33 văn bản cụ thể ban hành thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trong số 63 tỉnh, thành. Cùng với đó, sự vào cuộc đồng bộ, nhanh chóng từ phía Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, VCCI… đã đem lại hiệu quả thiết thực. Các chính sách đưa ra bảo đảm dễ nhớ, dễ hiểu, dễ kiểm tra đôn đốc, không cầu toàn cũng không nặng nề về thủ tục.
Bộ trưởng khẳng định, vượt lên những khó khăn do dịch bệnh gây ra, 6 tháng đầu năm 2021 ngành LĐTB&XH đảm bảo thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Theo Bộ trưởng, cần biến những khó khăn, thách thức từ đại dịch thành thời cơ để đẩy mạnh cải cách hành chính, khó khăn mấy cũng phải khắc phục vượt qua./.
Dương Thìn
TAG:
Tin khác
Lâm Đồng: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm
Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đẩy mạnh việc giải ngân vốn chương trình giảm nghèo
TP.Hồ Chí Minh: Hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm mạnh
TP.HCM: Giải quyết việc làm cho 221.337 lượt lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa 1.000 lao động Việt Nam sang Australia làm việc góp phần nâng cao quan hệ đối tác hai nước
Hà Nội: Giải quyết việc làm cho trên 164 nghìn lao động trong 8 tháng đầu năm 2024
Những kết quả trong giải quyết việc làm ở Quảng Trị
Hỗ trợ kết nối cung cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
TP Đà Nẵng: Ước giải quyết việc làm cho 26.970 lao động trong 8 tháng đầu năm