Tiền lương
Trang chủ / Lao động / Tiền lương
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tháo gỡ vướng mắc về tính thời gian hưởng BHXH của giáo viên mầm non công tác trước năm 1995
05:55 PM 13/02/2017
(LĐXH)-Vấn đề tiền lương của đội ngũ giáo viên nói chung và đội ngũ giáo viên mầm non nói riêng là đề tài nóng và là sự mong đợi được thay đổi của chính đội ngũ này. Chỉ có cải cách chế độ tiền lương hợp lý mới có thể thu hút được giáo viên có tâm, có tầm, có năng lực trình độ cũng như thu hút được đội ngũ học sinh giỏi tốt nghiệp ra trường tự nguyện phục vụ hết mình cho sự nghiệp phát triển giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên, theo thống kê, hiện nay, có tới hàng ngàn giáo viên mầm non ở nước ta có thời gian công tác trên 20 năm nhưng khi về hưu đã phải nhận đồng lương quá thấp, thậm chí có nhiều trường hợp không đủ để trang trải cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày.
Ảnh minh họa
Trước thực trạng bất cập này, ngày 11.11.2015, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, trong đó quy định thực hiện trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 1.1.2016.
Tiếp theo, ngày 15.6.2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2016/NĐ-CP điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hằng tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995. Theo đó, giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1.1.1995, đang hưởng lương hưu trước ngày 1.1.2016 và giáo viên mầm non có thời gian làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non trước ngày 1.1.1995, bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ ngày 1.1.2016 - 31.12.2016, từ ngày 1.1.2016 nếu mức lương hưu sau khi đã được điều chỉnh theo quy định mà thấp hơn mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng lương hưu thì được trợ cấp thêm để mức lương hưu bằng mức lương cơ sở. Và ngày 15.7.2016 Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư số 23/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nghị định trên.
Mặc dù, chính sách đã có nhưng để chính sách thực sự đi vào cuộc sống lại là một vấn đề không dễ. Thời gian qua,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nhận được nhiều thư, đơn của người lao động cũng như văn bản của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố phản ánh vướng mắc trong việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mầm non.
Trước thực trạng này, ngày 7/2/2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn số 333/LĐTBXH-BHXH về việc  tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội đối với giáo viên mầm non. Công văn nhằm mục đích thống nhất trong tổ chức thực hiện, làm rõ một số nội dung và tháo gỡ những vướng mắc đang gặp phải trong quá trình thực hiện, đặc biệt là hướng dẫn đối với những trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước 1.1.1995. Theo đó, hàng ngàn giáo viên mầm non có thời gian công tác trên 20 năm sẽ được điều chỉnh và cải thiện mức lương một cách hợp lý hơn.
Theo công văn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số nội dung cụ thể như sau:
Về việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH đối với giáo viên mầm non được thực hiện theo Quyết định số 152/TTg ngày 08/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn trong đó có Thông tư liên tịch số 09/TT-LB ngày 21/5/1977 của Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp về việc bổ sung chế độ, chính sách đối với giáo viên mẫu giáo.
Theo đó, đối với giáo viên mầm non dạy học ở thành phố, thị xã sau đó được tuyển dụng vào biên chế nhà nước thì thời gian công tác được tính hưởng BHXH từ khi làm giáo viên mầm non. Trường hợp là giáo viên mầm non ở nông thôn, thị trấn thì thời gian công tác được tính BHXH kể từ ngày được tuyển dụng vào biên chế chính thức.
Đối với hiệu trưởng mầm non ở nông thôn, sau đó được tuyển dụng vào biên chế Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 133/HĐBT ngày 17/8/1982 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 25/TT ngày 16/8/1983 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Theo đó, đối với những người là hiệu trưởng trường mầm non ở nông thôn sau đó được tuyển dụng vào biên chế  Nhà nước (kể cả tuyển dụng từ ngày 01/01/1995 trở đi) thì thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 được tính hưởng BHXH kể từ khi làm giáo viên mầm non.
Trường hợp không còn hồ sơ gốc khi xem xét, giải quyết tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH đối với giáo viên mầm non, hồ sơ làm căn cứ xác định thời gian công tác được thực hiện theo quy định tại các văn bản trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995.
Trong trường hợp không còn hồ sơ gốc thể hiện quá trình công tác trước ngày 01/01/1995 thì thực hiện theo quy định tại Khoản 7 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc.
Đối với trường hợp được tính bổ sung thời gian làm giáo viên, hiệu trưởng trường mầm non trước ngày 01/01/1995 để hưởng BHXH thì mức hưởng mới được tính từ khi người lao động nghỉ việc hưởng BHXH. Việc hoàn trả phần chênh lệch hoặc tiền lương hưu, trợ cấp của những tháng chưa nhận được thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 2, Điều 23 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐTB&XH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật BHXH về BHXH bắt buộc.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thực hiện đúng nhưng những nội dung đã hướng dẫn làm rõ để đảm bảo quyền lợi chính xác và kịp thời cho đội ngũ giáo viên mầm non./.
Mỹ Hạnh
 
TAG:
Tin khác
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực
Sóc Trăng: Gắn kết đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
Quảng Ninh: Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tìm giải pháp nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài
Yên Bái thúc đẩy nhân quyền, dành nhiều sự hỗ trợ về giải quyết việc làm cho người lao động
Trung tâm Dịch vụ việc làm Sơn La: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp