Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
BHXH Việt Nam: Khẩn trương hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19
10:18 PM 21/07/2021
(LĐXH) - Ngày 21/7, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành văn bản số 2157/BHXH-TST gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc về việc khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Cùng ngày, BHXH Việt Nam cũng ban hành Quyết định số 722/QĐ-BHXH về việc thành lập Đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do đại dịch Covid-19 trong: thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) và tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại BHXH 19 tỉnh, thành phố.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Nghị quyết số 68); Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Quyết định số 23), thời gian qua, toàn ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Đặc biệt là công tác xây dựng quy trình, hướng dẫn thực hiện thống nhất trong nội bộ; sớm hoàn thành việc gửi thông báo về số tiền (khoảng 4.322 tỷ đồng) do giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến hơn 375 nghìn đơn vị, với trên 11,2 triệu lao động, góp phần hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp khắc phục khó khăn, hỗ trợ NLĐ phòng, chống dịch Covid-19.
Kịp thời tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động
Để tiếp tục đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ giảm bớt khó khăn, cùng chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu kép “vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vừa phòng, chống dịch hiệu quả”, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu Giám đốc BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau:
          Thứ nhất, quán triệt công chức, viên chức, NLĐ tuân thủ các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp và NLĐ, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, quan trọng, cần tập trung ưu tiên thực hiện của toàn Ngành trong giai đoạn hiện nay.
          Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành địa phương báo cáo UBND tỉnh, thành phố các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn doanh nghiệp, NLĐ tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan thẩm quyền giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo thuận lợi nhất cho NLĐ và doanh nghiệp.
Thứ ba, phân công, theo dõi nắm bắt, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 sớm lập hồ sơ để được giải quyết việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định. Tuyệt đối không phát sinh thêm thủ tục, hồ sơ ngoài quy định tại Quyết định số 23; không để hồ sơ quá hạn, trường hợp hồ sơ còn thiếu, có sai sót cần kịp thời hướng dẫn, không để tình trạng hồ sơ chuyển đi, chuyển lại nhiều lần.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết các thủ tục liên quan theo quy định. Khi nhận được quyết định về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ của Sở theo quy định tại Điều 12 Quyết định số 23, thực hiện chuyển ngay kinh phí để doanh nghiệp hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho NLĐ, nhằm duy trì việc làm bền vững của đơn vị, doanh nghiệp.
Thứ năm, kịp thời thực hiện xác nhận các Danh sách NLĐ tạm  hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Danh sách NLĐ ngừng việc; Danh sách lao động ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và Danh sách NLĐ được NSDLĐ đề nghị vay vốn để trả lương phục hồi sản xuất theo quy định tại Quyết định số 23 để đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ có đủ hồ sơ  đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm ổn định đời sống, hoặc vay vốn để duy trì, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, doanh nghiệp.
Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng yêu cầu toàn Ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin kịp thời, đầy đủ kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền của cơ quan BHXH; tăng cường công tác tư vấn, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc của NLĐ và doanh nghiệp trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ; kịp thời hoàn thiện các chức năng trên phần mềm (nếu phát sinh) đáp ứng ngay việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và công tác quản lý, tổng hợp, thống kê, báo cáo theo quy định…
Với tinh thần khẩn trương triển khai Nghị quyết số 68, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã quyết định thành lập Đoàn công tác của BHXH Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn làm Trưởng đoàn và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc liên quan, đến BHXH 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (theo Công văn số 969/TTg-KGVX của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương). Đoàn công tác sẽ tập trung làm việc với các nội dung:
- Kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện: Nghị quyết số 68; chính sách BHYT và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ngành tại các địa phương.
- Làm việc, trao đổi, phối hợp với lãnh đạo tỉnh, thành phố; đồng thời tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của địa phương để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Ngành.
Có thể khẳng định, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23, BHXH Việt Nam đã khẩn trương, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thực hiện các công tác liên quan một cách chủ động, kịp thời, với mục tiêu cao nhất là đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến từng người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHTN; đảm bảo khâu thực giải quyết hồ sơ được triển khai một cách thuận tiện, trong thời gian nhanh nhất, tạo thuận lợi tối đa cho NSDLĐ và NLĐ. Qua đó, với vai trò là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN, BHXH Việt Nam đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với đại dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
 Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Một số khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Bình Phước
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Chủ động giải quyết chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
Hà Nội: Thị trường lao động cuối năm có nhiều chuyển biến tích cực