Bến Tre: Hỗ trợ vốn vay tạo việc làm cho người lao động
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã phối hợp Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các huyện, thành phố thực hiện cho vay vốn dự án về giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, chủ yếu dự án vay là hộ gia đình.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là một tỉnh thuần nông, lao động tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, do đó nhu cầu việc làm ở khu vực này rất nhiều. Chính vì thế, từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm đã mang lại hiệu quả đáng kể cho số lao động ở khu vực nông thôn để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhất là tạo được việc làm ở khu vực này để phát triển sản xuất, góp phần mạng lại hiệu quả về kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã thực hiện cho vay Quỹ quốc gia về việc làm trên 1.000 dự án, với số tiền cho vay trên 24 tỷ đồng, giải quyết việc làm khoảng trên 1.500 lao động, chủ yếu là các dự án hộ gia đình như: Chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, may gia công, sản xuất cây giống, cây kiểng…
Làng nghề chỉ xơ dừa An Thạnh , xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày giải quyết nhiều việc làm cho người dân địa phương
Đạt được kết quả trên là do sự thường xuyên quan tâm của lãnh đạo tỉnh trong công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm; cũng như sự quan tâm của Ban Đại diện Hội đồng quản trị của Ngân hàng Chính sách xã hội từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời cũng nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các hội, đoàn thể với các ngành, các cấp trong việc phân bổ nguồn vốn, cũng như trong việc bình xét cho vay đảm bảo đúng theo quy trình của Ngân hàng Chính sách xã hội nhờ đó tỷ lệ nợ xấu từ nguồn Quỹ quốc gia việc làm không có xảy ra trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ nợ quá hạn không đáng kể, chỉ chiếm khoảng 0,5% so với tổng nguồn vốn.
Tiếp cận nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm các hộ vay đều chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để kinh doanh hoặc phát triển sản xuất, từ đó đời sống của người lao động được nâng lên, nhất là số lao động nhàn rỗi ở khu vực nông thôn, góp phần vào công tác giải quyết việc làm của tỉnh, cũng như chính sách an sinh xã hội ở các địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định trong công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm đó là: Nhu cầu vay vốn hiện nay của người dân ở các địa phương nhiều song nguồn vốn thì hạn chế, do đó chưa đáp ứng hết nhu cầu vay vốn trong dân. Mức vay theo qui định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính Phủ tối đa không quá 50 triệu đồng/1 lao động nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh Bến Tre chỉ thực hiện cho vay với mức bình quân khoảng từ 20 – 30 triệu đồng/lao động; ít có dự án vay với mức tối đa 50 triệu đồng theo qui định do hạn chế về nguồn vốn. Vì thế, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như các hội, đoàn thể nhận ủy thác và các địa phương chia nhỏ nguồn vốn để san sẽ cho các hộ có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận để tạo việc làm, phát triển sản xuất.
Từ năm 2013 đến năm 2017, tỉnh Bến Tre không được tiếp cận nguồn vốn phân bổ của Trung ương, chỉ thực hiện cho vay vốn từ nguồn vốn thu hồi (bình quân mỗi năm thu hồi khoảng 4.000 triệu đồng). Riêng năm 2018, tỉnh được Trung ương phân bổ 8.000 triệu đồng nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động. Theo thông tin từ phía Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn phân bổ của Trung ương muốn được tiếp cận thì địa phương phải có nguồn vốn đối ứng, trong khi đó nguồn ngân sách của tỉnh thì hạn chế nên không có nguồn vốn để đối ứng, do đó rất khó cho tỉnh trong việc tiếp cận nguồn vốn của Trung ương để thực hiện cho vay từ Quỹ quốc gia việc làm.
Để thực hiện công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục duy trì phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các ngành, các cấp để phân bổ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia việc làm cho các địa phương, chủ yếu nguồn vốn thu hồi để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các trường hợp sai sót trong quá trình thực hiện công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm để mọi người dân được biết, vì đây là chính sách ưu đãi của nhà nước trong công tác cho vay vốn, để từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân về Quỹ quốc gia việc làm mà tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, góp phần vào công tác giải quyết việc làm của tỉnh, để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đề nghị với Trung ương là hàng năm nên phân bổ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia việc làm về cho các tỉnh để thực hiện cho vay từ nguồn quỹ này. Vì Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã có hiệu lực thi hành và có điều chỉnh nâng mức cho vay Quỹ quốc gia việc làm từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng/1 lao động và điều chỉnh thời gian vay từ 60 tháng lên 120 tháng, do đó nhu cầu vay vốn của người dân càng nhiều. Vì vậy, các tỉnh rất cần nguồn vốn phân bổ của Trung ương để cho vay theo Nghị định số 74/2018/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có Bến Tre để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân ở các địa phương.
Hồng Phượng
TAG: