Lao động
Trang chủ / Lao động / Lao động
Bất bình đẳng về tiền lương có thực sự đang giảm trên toàn cầu?
02:22 PM 29/11/2024
(LĐXH)- Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), kể từ năm 2000 tới nay, mặc dù bất bình đẳng về tiền lương đã giảm ở khoảng hai phần ba các quốc gia và đã có xu hướng tích cực như vậy, nhưng chênh lệch tiền lương đáng kể vẫn tồn tại trên toàn thế giới.
Báo cáo "Tiền lương toàn cầu 2024 – 2025: Bất bình đẳng về tiền lương đang giảm trên toàn cầu?", nhận thấy rằng, kể từ đầu những năm 2000, khi so sánh mức lương của những người có thu nhập cao với những người có thu nhập thấp, xét trung bình ở nhiều quốc gia, tình trạng bất bình đẳng về tiền lương đã giảm với tốc độ trung bình từ 0,5% đến 1,7% mỗi năm, tùy thuộc vào thang đo được sử dụng.
Mức giảm đáng kể nhất ghi nhận được ở các nước có thu nhập thấp với mức giảm trung bình hàng năm dao động từ 3,2% đến 9,6% trong hai thập kỷ qua.
Tình trạng bất bình đẳng về tiền lương giảm chậm hơn ở nước giàu với mức giảm hàng năm từ 0,3% đến 1,3% ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao và từ 0,3% đến 0,7% ở các quốc gia có thu nhập cao. Hơn nữa, mặc dù bất bình đẳng tiền lương nhìn chung đã thu hẹp, mức giảm đáng kể hơn vẫn ghi nhận ở nhóm lao động làm công hưởng lương có mức lương cao trên thang lương.
(ảnh minh họa)
Vẫn tồn tại sự khác biệt giữa các khu vực
Báo cáo cũng cho thấy trong thời gian gần đây, tiền lương toàn cầu đã tăng nhanh hơn lạm phát. Năm 2023, tiền lương thực tế toàn cầu tăng 1,8%, dự báo mức tăng này đạt 2,7% năm 2024, đầy là mức tăng cao nhất trong hơn 15 năm qua. Những kết quả tích cực như vậy đánh dấu sự phục hồi đáng kể khi so sánh với mức tăng trưởng tiền lương toàn cầu âm -0,9% vào năm 2022, giai đoạn mà tỷ lệ lạm phát cao hơn nhiều mức tăng trưởng tiền lương danh nghĩa.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tăng trưởng tiền lương diễn ra không đồng đều giữa các khu vực. Các nền kinh tế mới nổi có mức tăng cao hơn các nền kinh tế tiên tiến. Trong khi các nền kinh tế G20 tiên tiến ghi nhận mức giảm tiền lương thực tế trong hai năm liên tiếp (-2,8% năm 2022 và -0,5% năm 2023), tình hình tăng trưởng tiền lương thực tế vẫn tích cực trong cả hai năm ở các nền kinh tế G20 mới nổi (1,8% năm 2022 và 6,0% năm 2023).
Các mô hình tăng trưởng tiền lương theo khu vực có sự khác biệt đáng kể. Theo báo cáo ghi nhận, người lao động làm công hưởng lương ở Châu Á và Thái Bình Dương, Trung Á, Tây Á, và Đông Âu  có mức lương thực tế tăng nhanh hơn so với các khu vực khác trên thế giới.
Mặc dù có những tiến triển ghi nhận gần đây, tình trạng bất bình đẳng về tiền lương tồn tại  ở mức cao vẫn là một vấn đề cấp bách. Báo cáo cho thấy trên toàn cầu, mức lương của 10% người lao động được trả lương thấp nhất chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị tiền lương toàn cầu, trong khi mức lương của 10% người lao động được trả lương cao nhất chiếm gần 38% tổng tiền lương này.
Tình trạng bất bình đẳng về tiền lương ghi nhận cao nhất ở các quốc gia thu nhập thấp, với gần 22% người lao động làm công hưởng lương được xếp vào nhóm được trả lương thấp.
Phụ nữ và người lao động làm công hưởng lương trong nền kinh tế phi chính thức nhiều khả năng nằm trong số những đối tượng được trả lương thấp nhất. Phát hiện này càng cho thấy sự cần thiết phải có hành động có mục tiêu để thu hẹp khoảng cách tiền lương và việc làm và đảm bảo mức lương công bằng cho tất cả lao động làm công hưởng lương.
Tình trạng bất bình đẳng tiền lương tồn tại ở tất cả các quốc gia và khu vực. Tuy nhiên, hiện một phần ba số lao động trên toàn cầu không phải là lao động làm công hưởng lương. Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đa số người lao động là lao động tự làm, chỉ có thể tìm cơ hội kiếm sống trong nền kinh tế phi chính thức.
Báo cáo nhấn mạnh, để giảm tình trạng bất bình đẳng về tiền lương, cần có chính sách tiền lương chặt chẽ và hỗ trợ một cách có hệ thống hướng tới tăng trưởng công bằng. Bằng cách giải quyết những thách thức này, các quốc gia có thể đạt được tiến bộ thực sự hướng tới thu hẹp khoảng cách tiền lương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế công bằng, bền vững cho người lao động trên toàn thế giới./.
Nguyễn Thìn
TAG:
Tin khác
Huyện An Dương (Hải Phòng) triển khai hiệu quả Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm
Hà Tĩnh tích cực thực hiện công tác giải quyết việc làm
Huyện Bác Ái: đi làm việc ở nước ngoài đang là hướng đi hiệu quả giúp giảm nghèo bền vững
Trung tâm DVVL Cà Mau tổ chức Phiên giao dịch việc làm tại huyện Thới Bình
Lạng Sơn: Đa dạng các giải pháp giải quyết việc làm
Ghi nhận trong công tác triển khai các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững ở Đồng Tháp
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Tháp tích cực triển khai hỗ trợ việc làm bền vững
Đồng Tháp: Tích cực hỗ trợ việc làm bền vững, giúp người dân từng bước thoát nghèo
Hỗ trợ kết nối tạo việc làm cho người lao động tại huyện Phú Bình