Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Bạc Liêu: Hỗ trợ kịp thời người lao động gặp khó khăn do Covid-19
10:28 AM 13/07/2021
(LĐXH) - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, từ tháng 4/2020 đến nay, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai hỗ trợ kịp thời các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi đại dịch, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng
Bà Nguyễn Thùy Như – Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu cho biết, tính đến tháng 5/2021, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 112,23 tỷ đồng, trong đó: Hỗ trợ theo chính sách của Trung ương trên 111,34 tỷ đồng; hỗ trợ từ chính sách riêng của tỉnh là 885,45 triệu đồng.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bạc Liêu tặng quà cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
Theo đó, tỉnh đã thực hiện việc hỗ trợ cho 17 người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương tại Công ty TNHH MTV Trường Mầm Non Tâm Nhi với số tiền là 30,6 triệu đồng; hỗ trợ cho 15 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền 15 triệu đồng; hỗ trợ cho 214 hộ kinh doanh có doanh thu năm 2020 dưới 100 triệu đồng với số tiền là 214 triệu đồng. Đặc biệt, Bạc Liêu đã thực hiện hỗ trợ cho 24.108 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (quy định tại Chương IV, Quyết định số 15/QĐ-TTg) với số tiền là 24,1 tỷ đồng.
Riêng 4 nhóm đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội (quy định tại Chương V, Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) gồm 81.995 người, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xong ngay trong năm 2020 với số tiền hỗ trợ gần 87 tỷ đồng. Trong đó, người có công với cách mạng: 8.516 người với số tiền hỗ trợ trên 12,752 tỷ đồng; đối tượng bảo trợ xã hội: 25.479 người với số tiền hỗ trợ trên 38,2 tỷ đồng; người thuộc hộ nghèo: 10.533 người với số tiền hỗ trợ trên 7,89 tỷ đồng; người thuộc hộ cận nghèo: 37.467 người với số tiền hỗ trợ trên 28,1 tỷ đồng.
Bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh Bạc Liêu cũng thực hiện hỗ trợ các đối tượng khác từ chính sách riêng của địa phương. Cụ thể, đã hỗ trợ cho 615 người bán lẻ xổ số lưu động với tổng kinh phí 461,2 triệu đồng từ nguồn kinh phí Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu; thực hiện việc hỗ trợ cho 707 đối tượng bảo trợ, người già neo đơn, hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 424,2 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo và An sinh xã hội của tỉnh.
Nhìn chung, với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai nhanh chóng, kịp thời và hoàn thành cơ bản công tác hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 42, bảo đảm đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời, không có yêu cầu khiếu nại và tiêu cực trong thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tạo điều kiện cho các đối tượng ảnh hưởng dịch Covid-19 khắc phục những khó khăn ổn định cuộc sống.
Quyết tâm thực hiện kịp thời Nghị quyết 68/NQ-CP
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, tỉnh Bạc Liêu nhận thấy ngoài 6 nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm quy định khoản 2, Điều 7, Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 43.966 người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thuộc các lĩnh vực như: Công nhân lột tôm, công nhân chặt đầu cá, đi ghe lưới, kéo tô; thợ hồ; phụ hồ; hớt tóc, làm tóc, làm móng tay, chân; tài xế, lơ xe; chạy đò chở khách, giúp việc nhà, bảo vệ, tiếp thị, phụ bán hàng (không phải mặt hàng thiết yếu); lao động làm việc tại các cơ sở nghề truyền thông đan lát, rèn, sản xuất bánh kẹo, nước uống… chưa được hỗ trợ do ngân sách tỉnh không cân đối được.
Với việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid 19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bạc Liêu cũng đã khẩn trương xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh nhằm hướng dẫn cho các địa phương trong tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời nhất dành cho những đối tượng thuộc diện yếu thế trong xã hội. Đối tượng được thụ hưởng chủ yếu là những người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (gọi chung là lao động tự do) cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu làm một trong các loại công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định, thu gom rác, phế liệu, bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe mô tô 2 bánh chở khách, bán vé xổ số lưu động, công nhân lột tôm, công nhật, đi ghe lưới, kéo tôm, thợ hồ, phụ hồ, hớt tóc, làm tóc, làm móng tay, chân, tài xế, lơ xe, chạy đò chở khách, giúp việc nhà, bảo vệ…
Dự kiến, mức hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày, tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/lần nếu mất việc từ một tháng trở lên. Về thủ tục cũng chỉ yêu cầu người lao động tự do cung cấp Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, thẻ Bảo hiểm y tế đến trụ sở khóm, ấp và điền thông tin vào đơn đề nghị hỗ trợ. Trưởng khóm, ấp phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, công an trên địa bàn (nếu cần thiết) để rà soát, xác nhận cho đối tượng hưởng chính sách.
Ngay trong ngày 12/7/2021, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bạc Liêu cũng đã có tờ trình Thường trực UBND tỉnh việc xem xét hỗ trợ người trực tiếp bán vé xổ số trên địa bàn tỉnh trong thời gian tạm dừng phát hành vé số do đại dịch COVID-19. Theo đó, công ty đề xuất hỗ trợ người bán vé xổ số trong 15 ngày (kể từ ngày 9/7 đến hết ngày 23/7/2021) theo mức 50.000 đồng/người/ngày x 15 ngày = 750.000 đồng/người. Số lượng người bán vé số trên địa bàn tỉnh dự kiến hơn 4.000 người, tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến trên 3 tỷ đồng.
Tin rằng, với tinh thần triển khai quyết liệt, khẩn trương, tỉnh Bạc Liêu sẽ sớm đưa nguồn hỗ trợ từ gói an sinh xã hội hơn 26.000 tỷ đồng đến đúng người, đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất.
Minh Châu
TAG:
Tin khác
Hỗ trợ việc làm bền vững, hướng tới mục tiêu giảm nghèo tại thành phố Thái Nguyên
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai): Nhiều giải pháp hỗ trợ việc làm cho lao động nghèo
Lạng Sơn: Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến
Nam Định: Đảm bảo an toàn lao động để phát triển bền vững
Thanh Hóa: Quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động
AEON Việt Nam đẩy mạnh tuyển dụng và mở rộng quy mô năm 2025
Nestlé và PRO Việt Nam thúc đẩy thực hành an toàn vệ sinh lao động trong quản lý rác thải
Thừa Thiên Huế: Giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững
Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Phước: Những giải pháp quan trọng thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp