Bắc Giang: Hiệu quả từ hoạt động vay vốn tạo việc làm cho người lao động
Từ nguồn quỹ quốc gia về việc làm, nhiều lao động nông thôn tại tỉnh Bắc Giang được tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi. Trên cơ sở đó, họ có điều kiện xây dựng, mở rộng mô hình sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình.
Chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả
Sau hơn một năm triển khai, mô hình nuôi chim bồ câu của anh Nguyễn Văn Thành (SN 1986) thôn Chấu, xã Bảo Đài, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đến nay đã bắt đầu thu lãi. Trước đây, gia đình anh nuôi lợn nhưng đúng lúc giá lợn hơi xuống thấp, thu không bù đủ chi nên anh quyết định dừng lại để tìm hướng đầu tư mới.
Đầu năm 2018, thông qua Đoàn xã giới thiệu, anh Thành làm thủ tục vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng từ nguồn quỹ quốc gia về việc làm với lãi suất ưu đãi để nuôi chim bồ câu. Nhờ xây dựng khu chăn nuôi khép kín, áp dụng đúng quy trình chăm sóc, phòng bệnh, sử dụng thức ăn chủ yếu là đậu tương, ngô, mạch nên đàn chim sinh trưởng tốt.
Cứ sau khoảng 35-40 ngày được xuất bán một lứa, sản phẩm không đủ cung cấp cho các đại lý thu mua. Anh cho biết: “So với các con vật khác, nuôi chim bồ câu không mất quá nhiều công sức và vốn. Thêm nữa, qua kinh nghiệm học hỏi được từ sách báo, anh em bạn bè, tôi thường xuyên theo dõi, cho uống thuốc phòng bệnh kịp thời nên đàn chim khỏe mạnh". Có hơn 300 cặp chim bố mẹ, trung bình mỗi tháng, anh thu lãi từ 8-12 triệu đồng từ bán chim thương phẩm.
Nhờ nguồn vốn vay, nhiều lao động trong tỉnh đã tìm được việc làm ổn định (ảnh minh họa)
Mấy năm gần đây, gia đình anh Trần Quang Trung, thôn Nhập Thành, xã Nghĩa Hồ (Lục Ngạn) chuyển đổi vườn vải thiều sang trồng cam đường Canh. Trong khu vườn của gia đình hiện có hơn 100 cây cam từ 4-6 năm tuổi và khoảng 2 vạn cây giống cung cấp cho bà con trong xã.
Anh Trung kể: “Khi quyết định chuyển đổi cây trồng, trở ngại lớn nhất với gia đình đó là thiếu vốn. Được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục nhanh gọn, tôi vay vốn từ Qũy quốc gia về việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Ngạn, có thêm điều kiện để chuyển hướng sản xuất mang lại hiệu quả cao”.
Trước đây, do thiếu việc làm, vợ anh Trung đi xuất khẩu lao động với nghề giúp việc gia đình để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khi chuyển đổi sang trồng cam cho hiệu quả kinh tế, hết thời hạn lao động, vợ anh quyết định ở nhà cùng chồng tập trung chăm sóc vườn cây ăn quả.
Với vườn cam và nghề ươm cây giống, vợ chồng anh Trung làm không hết việc. Thời điểm thu hoạch phải thuê thêm 3 đến 5 nhân công phụ giúp; trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng/năm.
So với các hình thức khác, lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm khá ổn định, thủ tục vay nhanh gọn, phù hợp với nguyện vọng những hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất đang thiếu vốn. 6 tháng đầu năm 2019, Quỹ giải ngân cho vay gần 18 tỷ đồng đối với 388 dự án phát triển sản xuất và 41 người đi xuất khẩu lao động.
Đa số các dự án cho vay theo hình thức hộ gia đình, sử dụng vào mục đích trồng trọt, chăn nuôi, phát triển nghề phụ, nghề truyền thống. Từ đó góp phần tạo việc làm mới cho hơn 700 lao động, chủ yếu ở khu vực nông thôn.
Bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay
Ông Trịnh Hữu Ngọc Nam, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Lục Nam cho biết: Năm 2019, đơn vị đã cho 202 hộ vay vốn với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm. Đối tượng vay vốn là hộ nghèo, cận nghèo và gia đình mới thoát nghèo hoặc thuộc diện chính sách khác.
Để nâng hiệu quả nguồn vốn cho vay, đơn vị cử cán bộ xuống cơ sở giao ban với các hội, đoàn thể nhận ủy thác như: Hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên và các tổ tiết kiệm để khảo sát nhu cầu vay vốn tại từng xã và lập danh sách báo cáo để phân bổ. Sau khi giải ngân, thường xuyên giám sát quá trình sử dụng vốn, đôn đốc thu lãi hằng tháng, vận động trả nợ dần theo định kỳ, nhắc nhở người vay trả nợ đúng hạn.
Đồng thời, phối hợp lập hồ sơ đề nghị xử lý kịp thời với các hộ bị rủi ro có nguyên nhân khách quan. “Để tăng hiệu quả sử dụng vốn cho vay, trước khi hoàn thiện hồ sơ và tiến hành giải ngân, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để tổ chức thẩm định chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch”, ông Nam nhấn mạnh.
Qua khảo sát tại các địa phương trong tỉnh, nhiều lao động nông thôn có nhu cầu vay vốn nhưng nguồn quỹ được phân bổ hằng năm có hạn. Việc tìm kiếm các nguồn khác để bổ sung cho vay cũng khó khăn nên hiện nguồn quỹ mới chỉ đáp ứng được 30-40% nhu cầu.
Mặt khác, theo quy định hiện nay, với mức cho vay tối đa 50 triệu đồng/dự án thì không đủ để đối tượng là doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển quy mô, cải tiến công nghệ.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Nguồn quỹ giải quyết việc làm có ý nghĩa lớn với người dân bởi từ đồng vốn vay ưu đãi đó, họ có cơ hội chuyển đổi mô hình sản xuất, mở rộng quy mô ngay tại địa phương. Nhiều người có sinh kế ổn định để tăng thu nhập, nhất là lao động trung tuổi khó tìm việc làm ở trong các doanh nghiệp”.
Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục quan tâm, tập trung nguồn vốn tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, tăng mức cho vay để giúp các gia đình có thêm điều kiện phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Trong đó, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm, lao động khuyết tật, người dân tộc thiểu số, thanh niên, lao động bị thu hồi đất vay vốn.
PV
TAG: