An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bà Rịa - Vũng Tàu: Một số khó khăn trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người khuyết tật
05:26 PM 26/11/2016
Đề án Trợ giúp người khuyết tật (NKT) giai đoạn 2011-2020 được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành với những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực đã góp phần chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện giúp NKT hòa nhập cộng đồng, có việc làm, cải thiện nâng cao đời sống. Tuy nhiên, để cuộc sống của NKT thật sự được ổn định, bền vững, các cơ quan, ban, ngành liên quan cần tăng cường phối hợp thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách với NKT.

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTBXH, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 9.187 NKT, trong đó có 1.863 NKT đặc biệt nặng, 5.854 NKT nặng, 1.175 NKT nhẹ, còn lại đang chờ mức độ giám định y khoa. Số NKT chiếm khoảng 1% dân số toàn tỉnh. 5 năm qua, với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo cơ sở chuyển biến về nhận thức, hành động trong toàn xã hội và tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng, các cơ quan, ban ngành có liên quan đã phối hợp thực hiện các nội dung của đề án và đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

Đến nay, NKT nặng, đặc biệt nặng hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có điều kiện tự lo cho cuộc sống tại cộng đồng đều được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên hoặc đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng. Hiện có 8.102 NKT đang được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng với mức trợ cấp từ 405-675 ngàn đồng/tháng; 671 NKT được quản lý, nuôi dưỡng tại các Trung tâm bảo trợ xã hội với mức hỗ trợ hàng tháng từ 900 ngàn đồng đến 1,3 triệu đồng/người.

Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 8.102 NKT được hưởng trợ cấp hàng tháng thường xuyên tại cộng đồng

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở LĐTBXH, dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng trên thực tế, đời sống của NKT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Việc thực hiện các chế độ, chính sách với NKT nói chung tuy được quan tâm triển khai thực hiện nhưng vẫn chưa thực sự đạt kết quả như mong muốn. NKT chưa được thụ hưởng mọi quyền lợi theo quy định của Luật NKT. Đó là hệ thống văn bản pháp luật của các bộ, ngành liên quan ban hành chưa đồng bộ; sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa thống nhất, chặt chẽ; bản thân NKT một phần vì hạn chế về sức khỏe, kinh tế, mặc cảm, tự ti, phần vì ỷ lại vào chính sách của Nhà nước nên chưa chủ động nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, thậm chí có phần buông xuôi.

Theo bà Lê Thị Tám, Phó Trưởng phòng LĐTBXH huyện Long Điền, công tác dạy nghề và đào tạo việc làm cho NKT còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện do công tác tuyên truyền các chính sách về đào tạo nghề cho NKT chưa được quan tâm. Tại các trường đào tạo nghề trong tỉnh, các ngành nghề đào tạo chủ yếu là nghề công nghiệp nặng, không phù hợp với điều kiện sức khỏe, khả năng của NKT; không có đội ngũ giáo viên chuyên biệt; cơ sở vật chất phù hợp với đặc thù của NKT chưa được trang bị. “NKT gặp khó khăn trong việc tìm nghề học phù hợp và việc làm có thu nhập ổn định” - bà Tám nói.

Cùng với khó khăn trong công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, hoạt động can thiệp sớm, phòng ngừa khuyết tật, phục hồi chức năng để giảm thiểu khuyết tật cũng chưa được quan tâm đúng mức. Tại các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận với NKT gặp nhiều khó khăn. Bản thân NKT tại các địa phương này cũng bị hạn chế trong tiếp cận với các dịch vụ y tế. Mặt khác, đa số NKT thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn cũng là trở ngại không nhỏ cho việc phục hồi chức năng và hòa nhập với cộng đồng. Hiện trên địa bàn tỉnh cũng chưa có bệnh viện chuyên ngành phục hồi chức năng nên việc triển khai thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe cho NKT cũng gặp khó khăn; đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, kinh phí phục vụ cho công tác phục hồi chức năng cho NKT còn thiếu…

Theo ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để thực hiện tốt công tác chăm lo cho NKT, các sở, ngành, đơn vị liên quan phải đưa việc hỗ trợ NKT vào kế hoạch và theo dõi tiến độ thực hiện. Tiến hành điều tra, rà soát lại thực trạng NKT trên địa bàn tỉnh, từ đó phân tích, đánh giá để đưa ra những giải pháp hỗ trợ thiết thực giúp NKT ổn định cuộc sống. UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền Luật NKT và các văn bản liên quan để mọi tổ chức, cá nhân, người dân có suy nghĩ, cái nhìn đúng đắn hơn về NKT; hướng người dân có những hành động thiết thực, cụ thể, thân thiện trong việc tiếp xúc, giúp đỡ, hỗ trợ NKT trong cuộc sống hàng ngày, để họ tự tin hòa nhập tốt hơn trong cuộc sống, sinh hoạt...

Ngô Thanh

TAG:
Tin khác
Huyện Bình Đại triển khai có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Hà Nội gặp mặt, tri ân người có công tham gia giải phóng Thủ đô
Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em bị ảnh hưởng do bão lũ tại miền Bắc
Vũng Liêm tích cực giải bài toán giảm nghèo bền vững
Triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ người dân Mỏ Cày Bắc giảm nghèo bền vững
Chương trình của Vinamilk hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho học sinh, sinh viên vùng bão lũ qua Trung ương đoàn
Đề nghị trẻ em không có giấy tờ tùy thân cũng được cấp thẻ BHYT
TPHCM: Long trọng tổ chức lễ phát động “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2024”
BHXH TPHCM chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 10, qua tài khoản từ ngày 1/10