Chính sách bảo hiểm thất nghiệp một công cụ quản trị thị trường lao động hỗ trợ người lao động bảo vệ, duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp
(LĐXH) - Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục phát huy vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cần có những giải pháp trọng tâm trong đó tập trung hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm trong Luật Việc làm (sửa đổi), mở rộng đối tượng tham gia, linh hoạt mức đóng, hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động...

Trong kỷ nguyên “vươn mình” của đất nước, với những chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển một thị trường lao động hiện đại đã đặt ra những yêu cầu mới đối với việc thay đổi của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, hệ thống dịch vụ việc làm công để điều tiết, quản trị thị trường lao động một cách hiệu quả hơn. Nhằm phát huy vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới, cần có những giải pháp để sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, ngoài việc chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, đào tạo cần phải tăng cường chi cho việc thực hiện các nhiệm vụ thu thập thông tin thị trường lao động, khai thác vị trí việc làm trống để đẩy mạnh việc nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động. Về lâu dài, cần hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng diện bao phủ tham gia, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, bổ sung các biện pháp hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trong suốt quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Với mục tiêu đến năm 2025, 100% người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (người thất nghiệp) được tư vấn miễn phí khi có nhu cầu; 80% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 60% được giới thiệu việc làm thành công. Và đến năm 2030, phấn đấu 90% người thất nghiệp được giới thiệu việc làm miễn phí khi có nhu cầu, trong đó có 70% được giới thiệu việc làm thành công... Bên cạnh đó, còn có các mục tiêu như: tăng tỷ lệ người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được hỗ trợ học nghề, bồi dưỡng kỹ năng, tỷ lệ người lao động đang tham gia Bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm; 100% nhân sự thực hiện Bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu...

Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, cụ thể là:
- Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm trong Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó, mở rộng đối tượng tham gia để mở rộng độ bao phủ an sinh xã hội.
- Linh hoạt mức đóng BHTN trên cơ sở căn cứ vào tình hình kết dư quỹ, bổ sung quy định Chính phủ quy định việc giảm mức đóng BHTN trong một số trường hợp, hỗ trợ bằng tiền hoặc các hỗ trợ khác nhằm mục tiêu tăng cường hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động khi kết dư quỹ đủ lớn và vẫn đảm bảo chi trả các chế độ BHTN cho người lao động, người sử dụng lao động.
- Bổ sung quy định về giảm tiền đóng BHTN đối với người sử dụng lao động khi tuyển và sử dụng người lao động là người khuyết tật nhằm khuyến khích việc tuyển dụng, tạo việc làm cho người lao động là người khuyết tật.
- Mở rộng nội dung hỗ trợ đối với chế độ hỗ trợ người lao động tham gia đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, theo đó người lao động không chỉ được hỗ trợ đào tạo nghề mà còn được tiền ăn trong thời gian học đối với trường hợp không hưởng trợ cấp thất nghiệp và không có việc làm giúp người thất nghiệp giảm bớt khó khăn khi tham gia học nghề.
- Tăng cường đầu tư, hiện đại hoá hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp nhằm rà soát, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp để có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú khẳng định nguyên tắc của bảo hiểm thất nghiệp và vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong hệ thống an sinh xã hội.
Hữu Bắc
TAG: