Để đạt được kết quả như vậy, một trong những giải pháp hiệu quả được thực hiện là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là các giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng.
Ngay từ đầu năm 2024, Sở đã tham mưu với Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Yên Bái ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện như Kế hoạch số 63/KH-BCĐ ngày 06/3/2024 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Yên Bái thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024. Đồng thời Sở ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống mua bán người năm 2024; Công văn số 1198/SLĐTBXH-PCTNXH ngày 09/7/2024 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc triển khai thực các hoạt động hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” năm 2024. Sở cũng tiếp tục triển khai có hiệu quả Quy chế phối hợp số 377/QCPH-LĐTBXH- CA-VPUBND ngày 20/3/2023 giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh và Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người, trong năm 2024, Sở tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của đường dây nóng về phòng, chống mua bán người (Tổng đài 111) để tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Phối hợp với báo chí của ngành triển khai các hoạt động tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người. Phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái rà soát, tổng hợp thông tin phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về từ năm 2014 đến nay.
Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7”, năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền và triển khai các hoạt động về phòng, chống mua bán người, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn. Kết quả, đã tổ chức được 280 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống tội phạm, tệ nạn mua bán người đến 25.137 lượt cán bộ, công chức, viên chức, học sinh và người dân trên địa bàn.
Tại Yên Bái, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn phối hợp cùng các Sở, ngành và tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Trung ương, của tỉnh quy định về quy trình, thủ tục tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; thực hiện lồng ghép nội dung phổ biến kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ nạn nhân tại các hội nghị triển khai công tác tại cơ sở (chưa tổ chức tập huấn riêng biệt); lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Việc tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng đã góp phần giúp người dân ở Yên Bái, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, người nghèo nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc phòng, chống mua bán người cũng như cần cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu thông tin trước khi đi làm việc ở ngoài tỉnh và ở nước ngoài.
Để giúp người dân không trở thành nạn nhân của những đường dây mua bán người, tỉnh Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật, quy định liên quan đến phòng, chống tội phạm mua bán người. Thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức, nội dung phong phú, đa dạng, hướng về cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao bị mua bán, đặc biệt nêu rõ về tác hại, hậu quả, cách thức của tội phạm mua bán người, những câu chuyện liên quan đến tình huống mua bán người, xâm hại trẻ em để giúp người dân có các biện pháp, kỹ năng phòng tránh nếu gặp phải trường hợp liên quan đến tội phạm mua bán người. Đăng tải thông tin và những đơn vị, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động thông qua các website của Sở, Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh để người dân có lựa chọn sáng suốt, tránh được hình thức mua bán người trá hình qua xuất khẩu lao động. Duy trì Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; Cảnh sát 113 nhằm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ người dân có nguy cơ là nạn nhân của mua bán người, ngăn chặn và đẩy lùi tội phạm mua bán người ra khỏi đời sống xã hội./.
Mỹ Hạnh