Yên Bái: Hiệu quả từ đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Mù Cang Chải
(LĐXH)- Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hiện có trên 91 % dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập chính của người dân chủ yếu dựa vào nông - lâm nghiệp. Những năm qua, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề - Giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải đã tiến hành đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo Báo cáo chính trị Đại hội Chi bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Trung tâm đã mở 60 lớp đào tạo nghề cho 1.665 học viên. Trong đó, đã mở 36 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.060 học viên và 24 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 605 học viên. Sau khi kết thúc thời gian đào tạo, 100% học viên học nghề nông nghiệp và 50% học viên học nghề phi nông nghiệp tự tạo được việc làm và có thu nhập ổn định.Một người dân học nghề mộc do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức
Minh chứng như, anh Giàng A Tuấn (1985), dân tộc Mông, ở bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn tham gia rất nhiều lớp đào tạo nghề từ sửa chữa xe máy, sửa chữa nông cụ - hàn, cơ khí điện tử đến chế biến món ăn. Đến nay, cùng với việc làm xưởng sửa chữa xe máy, nông cụ, đồ điện tử gia đình, anh Tuấn còn mở cửa hàng ăn sáng với món phở là điểm nhấn. Cũng chính vì sự chăm chỉ, ham học hỏi và sự quyết tâm, mà thu nhập hằng tháng của gia đình anh đạt 15 - 20 triệu đồng.
Không chỉ ổn định được kinh tế cho gia đình, với khối lượng công việc lớn, anh Giàng A Tuấn còn tạo việc làm thời vụ cho 3 - 5 người/ngày với thù lao từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày tùy theo công việc và thời gian làm việc.
Anh Khang A Vàng (1989), ở bản Lìm Mông, xã Cao Phạ cũng là học viên được tham ra học nghề phi nông nghiệp tại huyện; sau khi học xong, anh tự tạo được việc làm và có thu nhập hằng tháng 5 - 8 triệu đồng từ sửa chữa xe máy và hàn.
Theo đánh giá của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong nhiệm kỳ qua đã thực sự góp phần tích cực vào việc nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 27,2% (2015) lên 36,5% (2019). Và chuyển dịch cơ cấu nghề từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp tăng, với con số cụ thể: Nghề phi nông nghiệp tăng từ 36% lên 43%, nghề nông nghiệp giảm từ 64% xuống còn 57%.Nuôi ong là một trong những thế mạnh của người dân Mù Cang Chải
Theo ông Giàng A Trừ, Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải, để đạt được những kết quả đáng mừng đó, một trong những cách làm hiệu quả mà huyện đã triển khai, đó là thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, với các lớp đào tạo ngắn ngày về kỹ năng trồng, chăm sóc cây, kỹ thuật sửa chữa đồ điện dân dụng, sửa xe máy, nông cụ…; nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa. Qua đó, giúp lao động nông thôn có kiến thức, mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Cũng theo ông Giàng A Trừ, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia các lớp học nghề; khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động; xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là các nghề phi nông nghiệp để góp phần tích cực giảm nghèo bền vững và chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.
Một trong những cách làm hay mang lại hiệu quả trong công tác dạy nghề ở huyện Mù Cang Chải là thực hiện mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, nhất ở các xã vùng sâu, vùng xa. Huyện đã chỉ đạo Trung tâm hướng nghiệp dạy - Giáo dục thường xuyên huyện đã tổ chức các lớp đào tạo ngắn ngày như truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cây sơn tra, đan lát, điện dân dụng, kỹ thuật sửa chữa xe máy và kỹ thuật trồng trọt… tạo điều kiện cho lao động nông thôn có kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Nhờ vậy, sau khi được đào tạo nhiều lao động ở nông thôn đã có việc làm và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, làm giàu chính đáng tại địa phương mình.
Từ thực tế trên, xác định đào tạo nghề nông nghiệp là trọng tâm, gắn với tái cơ cấu, trong thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề, tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững của huyện./.
Hồng Anh
TAG: