Sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, các giáo viên không được dạy thêm trong nhà trường, Dựa theo tình hình thực tế và nguyện vọng của phụ huynh, các nhà trường tổ chức trông giữ học sinh sau giờ chính khóa. Thay vì tiếp tục học như trước. Các em có thể vui chơi, đọc sách hoặc trò chuyện cùng bạn bè.
Tuy nhiên, dịch vụ trông giữ này không miễn phí. Phụ huynh phải đóng thêm một khoản tiền, nhưng nhiều người vẫn băn khoăn: Số tiền này được sử dụng ra sao? Nhà trường có đảm bảo tổ chức hoạt động bổ ích cho học sinh, hay chỉ đơn thuần là "trông trẻ"?
Ghi nhận tại trường tiểu học Cát Linh, phụ huynh phải đóng 12.000 đồng/buổi 'trông trẻ'

"Mỗi ngày, con tôi tan học lúc 3 giờ 15 phút chiều, nhưng tôi phải đến 5 giờ mới tan làm. Vì vậy, khi nghe tin nhà trường tổ chức trông giữ học sinh sau giờ với mức phí 12.000 đồng/buổi, tôi vừa mừng vừa lo", một phụ huynh có con học tiểu học Cát Linh cho biết.
Trước đây, tôi đã đóng tiền cho con học thêm ngoại khóa ngay tại trường, vừa giúp con bổ sung kiến thức, vừa có chỗ an toàn để chờ bố mẹ đón. Giờ đây, khi việc dạy thêm bị cấm, tôi nghĩ rằng gia đình sẽ đỡ được khoản chi này. Nhưng không, nhà trường vẫn thu tiền trông giữ, chỉ khác là con không còn được học mà chủ yếu tự chơi trong lớp. Tôi tự hỏi, số tiền này được sử dụng ra sao? Nếu đã thu phí, sao không tổ chức những hoạt động hữu ích như đọc sách, hướng dẫn làm bài tập hay các câu lạc bộ sáng tạo?

Anh M (36 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) có con học tiểu học chia sẻ: “Nhiều phụ huynh như tôi mong muốn nhà trường có phương án rõ ràng hơn. Trước đây, chúng tôi đã đóng tiền học bồi dưỡng, nhưng khi bị cấm dạy thêm, vẫn chưa rõ có được hoàn trả hay không. Trong khi đó, giờ lại phải đóng thêm tiền để trông giữ con sau giờ học.
Nếu đã thu phí, có thể tổ chức thêm các hoạt động như hướng dẫn làm bài tập, đọc sách, vui chơi có kiểm soát… thay vì chỉ đơn thuần trông giữ. Điều đó không chỉ giúp phụ huynh yên tâm mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho học sinh".
Giáo viên cũng có giới hạn thời gian và công việc, nhưng mong rằng nhà trường có thể đưa ra giải pháp phù hợp hơn, để cả phụ huynh và học sinh đều cảm thấy thoải mái với quy định mới này.
Phần kinh phí thừa sẽ được hoàn trả khi phụ huynh đóng các khoản tiền của tháng sau
Trả lời về vấn đề này, đại diện Trường Tiểu học Cát Linh (Hà Nội) cho biết: “Nhà trường đã dừng các tiết bồi dưỡng bổ sung kiến thức sau Thông tư 29. Phần kinh phí thừa của tháng 2/2025 sẽ được hoàn lại khi phụ huynh đóng tiền cho tháng 3/2025.”
Nhà trường cũng nhấn mạnh rằng hoạt động trông giữ học sinh sau giờ học được tổ chức theo nhu cầu của phụ huynh. Cha mẹ có thể tự nguyện đăng ký cho con tham gia hoặc đón con đúng giờ nếu không có nhu cầu.

Tại Trường Tiểu học Thịnh Hào (Hà Nội), một giáo viên chia sẻ: “Sau khi có Thông tư 29, giáo viên đã dừng hoàn toàn việc dạy thêm. Hiện tại, nhà trường chỉ tổ chức trông giữ học sinh với mức phí 15.000 đồng/buổi. Các em có thể đọc sách, vui chơi cùng bạn bè trong lớp học trong lúc chờ bố mẹ đến đón".
Việc cấm dạy thêm trong trường học được kỳ vọng sẽ giảm áp lực học tập cho học sinh, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Hiện tại, các trường đang trong quá trình điều chỉnh để phù hợp với quy định mới, đồng thời tìm kiếm giải pháp tốt nhất cho cả học sinh và phụ huynh.
Đừng biến thành hình thức đối phó
PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, nếu các trường chỉ đổi tên thành “trông giữ học sinh” nhưng thực chất vẫn dạy thêm, thì cần xử lý nghiêm.
Ông nhấn mạnh, giờ trông giữ không nên chỉ là thời gian học sinh ngồi chơi trong lớp. Thay vào đó, các em có thể tận dụng thư viện, sân chơi để nâng cao kiến thức, rèn luyện sức khỏe. Trường học cũng có thể tổ chức hoạt động bổ ích như hướng dẫn phòng chống cúm, thi đua các trò chơi học tập, giúp học sinh vừa học vừa vui.
“Quan trọng là phải biến khoảng thời gian này thành cơ hội phát triển cho học sinh, chứ không chỉ là hình thức đối phó,” ông Nam nói.
Trịnh Hải