(LĐXH)- Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa đã được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Qua đó đã tạo nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Tại xã Yên Bình, huyện Yên Bình, thu nhập chính của người dân chủ yếu từ trồng giống bưởi đặc sản như Khả Lĩnh, Đoan Hùng, nhưng khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên hiệu quả chưa cao, do đó, những lớp dạy nghề trồng và chế biến cây ăn quả có múi do Phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện tổ chức chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi cho người dân đã giúp người dân bổ sung thêm nhiều kiến thức.
Tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình, ngành Lao động thương binh và xã hội cũng đã phối hợp với các ngành, đơn vị mở lớp đào tạo nghề về lĩnh vực nông lâm nghiệp. Từ các lớp học, nhiều lao động đã chủ động vay vốn ngân hàng, mở xưởng sản xuất chế biến gỗ rừng trồng, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức lương 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Yên Bái coi trọng công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (Ảnh minh họa)Ông Nguyễn Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Hán Đà, huyện Yên Bình cho biết: "Việc đào tạo nghề cho nông dân rất quan trọng bởi người nông dân có kiến thức cơ bản để sản xuất hàng hóa, tăng việc làm thu nhập, xóa đói giảm nghèo."
Từ năm 2009 đến nay tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho gần 29 nghìn lao động nông thôn, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt trên 80%. Sau khi học xong, các học viên đã áp dụng nhiều kiến thức đã học và phát triển kinh tế. Trong thời gian tới, sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh sẽ tăng cường phối hợp với các huyện thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc học nghề cùng với đó tiếp tục rà soát nhu cầu của lao động tại địa phương, tỉnh ngoài, doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 14 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, có 90% số lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được mở tại các xã, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Bước đầu, công tác dạy nghề mang lại hiệu quả nhất định, nhiều lao động sau khi học nghề đã được giới thiệu và đi làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh, một số lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài.
Các doanh nghiệp thu hút nhiều người dân địa phươngChất lượng lao động nông thôn ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ lệ lao động nông nghiệp của tỉnh giảm từ 69,44% (năm 2015) xuống còn 66,90% (năm 2017), góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề vượt kế hoạch, có nhiều mô hình sản xuất điển hình như: Sản xuất rau an toàn tại các xã Tuy Lộc, Âu Lâu (TP Yên Bái); trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Việt Thành, Tân Ðồng, Báo Ðáp… Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Yên Bái đề ra mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho 88.000 lao động nông thôn. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm trên các phương tiện truyền thông, đổi mới phương pháp đào tạo theo hướng tăng cường đào tạo thực hành, điều chỉnh nội dung chương trình, giáo trình và thời gian đào tạo cho phù hợp yêu cầu thực tế và nhu cầu của người học./.
PV