Yên Bái: Cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo đi xuất khẩu lao động
(LĐXH)- Người dân địa phương cần tìm đến những địa chỉ tin cậy, được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để được tư vấn đi xuất khẩu lao động nếu có nhu cầu.
Xác định giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có xuất khẩu lao động, là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy số lượng người đi xuất khẩu lao động vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân một phần do chưa nhận thức được mức độ quan trọng của việc đi xuất khẩu lao động, mặt khác còn lo sợ bị lừa đảo hoặc không có tiền.Một buổi tư vấn hướng nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo xuất khẩu lao động
Đã có nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến việc xuất khẩu lao động trái phép, người mất tiền, kẻ mất mạng hay bị cơ quan chức năng nước bạn bắt giữ. Tuy nhiên, thực trạng này vẫn đang diễn ra tại một số huyện của tỉnh Yên Bái. Đặc biệt những lao động này chủ yếu lại là người dân tộc thiểu số, hiểu biết pháp luật còn chưa đầy đủ nên rất dễ bị dụ dỗ bởi các đối tượng môi giới.
Thông tin từ ANTV cho biết, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn là một trong những địa phương có nhiều người xuất cảnh lao động trái phép nhất của tỉnh Yên Bái, có năm lên đến trên 200 trường hợp. Hầu hết đều là những người dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế nên dễ tin và nghe theo kẻ xấu. Xuất khẩu lao động trái phép đã để lại những gánh nặng cho xã hội cùng với đó ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh trật tự địa phương.
Cụ thể như gia đình ông Triệu Văn Hương và bà Bàn Thị Khé (Văn Chấn) có con trai Triệu Quý Vìn, theo một số người ở địa phương xuất cảnh trái phép đi làm thuê ở một xưởng sản xuất thuốc lá tại Trung Quốc đã bặt vô âm tín. Lo lắng, nhưng con ở nơi đất khách, gia đình ông bà cũng chỉ biết chờ đợi và hy vọng.
Bà Bàn Thị Khé cho biết: "Cháu bảo đi sang Trung Quốc làm thuê để kiếm tiền giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Mấy tháng đầu mới sang cũng thấy cháu gửi tiền về, nhưng sau đó vợ chồng tôi không còn nhận được tin tức gì của cháu nữa. Tôi có nghe những người bên đó về nói lại là cháu đã bị Công an Trung Quốc bắt giam rồi. Bây giờ chúng tôi chỉ mong các cơ quan chức năng tìm giúp đưa được cháu về nhà thôi”.
Ông Phùng Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: "Việc xuất khẩu trái phép sang Trung Quốc đã tạo ra những hệ lụy nhất định trên địa bàn, như là về vấn đề xã hội khi các gia đình xuất cảnh lao động họ để lại con cái nên sự quan tâm đến con cái là không đến nơi đến chốn, việc xây dựng hạnh phúc gia đình ảnh hưởng nhất định, một số thanh niên sau khi xuất cảnh về địa phương có tệ nạn xã hội như ma túy, do vậy có những ảnh hưởng không nhỏ với địa phương về an ninh trật tự".
Thượng tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Yên Bái cho biết: "Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh, đơn vị tiếp tục tăng cường quản lý giảm tình trạng xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, đồng thời tạo công ăn việc làm, ổn định tại địa phương để thu hút nguồn nhân lực lao động. Phối hợp với các đơn vị chức năng, công an cấp huyện đấu tranh xử lý các loại tội phạm mau bán người, tội tổ chức người trốn đi nước ngoài trái phép".
Thoát nghèo từ xuất khẩu lao động bằng con đường hợp pháp
“Đổi đời” là ước muốn của bất cứ ai, tuy nhiên, mỗi người dân và nhất là đồng bào các vùng thiểu số, vùng sâu, vùng xa hãy thay đổi tư duy về xuất khẩu lao động bởi đã có rất nhiều câu chuyện đau lòng liên quan đến xuất khẩu lao động chui. Do đó, người dân cần tìm đến những địa chỉ tin cậy, được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.Thông tin về đơn hàng đăng tải trên trang điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái
Ông Lương Văn Sơn ở Co Hả, Thạch Lương, huyện Văn Chấn là một ví dụ. 3 năm trước đây, ông mạnh dạn vay tiền ở ngân hàng chính sách cho con gái lớn đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, thông qua Công ty cổ phần Việt TN. Thời gian đầu ông cũng cảm thấy lo lắng, vì tiền thì đã vay đã nộp cho Công ty rồi mà không biết có đi được không. Rồi lo cho con gái sang Nhật một mình nơi đất khách quê người, không biết công việc, ăn uống có ổn định không.
Thế nhưng mọi lo lắng của con đều được giải tỏa sau 3 tháng. Con gái của ông vẫn thường xuyên điện về gia đình, hết tháng thứ 3 thì cháu chuyển về 50 triệu đồng. Cháu nói cuộc sống của cháu bên ấy rất ổn, công việc lại không quá vất vả. Cháu làm đơn hàng chế biến thực phẩm. Tuy hơi lạnh nhưng cũng đã quen rồi. Số tiền 50 triệu chưa giúp ông trả hết nợ. Vì thế, ông rất tin tưởng về chương trình đi xuất khẩu lao động theo hợp đồng.
Anh Lò Nhật Quang, ở xã Thạch Lương, cũng chia sẻ đã từng đi xuất khẩu lao động Đài Loan. Thời gian đầu sang, anh cũng gặp khá nhiều khó khăn về ngôn ngữ, công việc… Nhưng sau khoảng 2 tháng, mọi thứ đều ổn định. Anh bắt đầu gửi những đồng lương đầu tiên về cho gia đình. Sau khi hết hạn hợp đồng, anh còn được gia hạn thêm 3 năm nữa để làm việc. Hiện tại gia đình anh cũng có của ăn của để.
Lãnh đạo xã Thạch Lương nhấn mạnh, xuất khẩu lao động là nguyện vọng chính đáng của người dân và được chính quyền địa phương ung hộ. Song bà con cần lựa chọn đơn vị có uy tín để đăng ký, không nên ngheo theo lời rỉ tai hoặc “cò mồi” vì sẽ rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”./.
Hồng Minh
TAG: