Xuất khẩu lao động vượt khó trong bối cảnh đại dịch Covid-19
(LĐXH) - Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó hoạt động xuất khẩu lao động là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bất chấp những khó khăn đó, trong những tháng đầu năm 2021, số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã tăng lên, thể hiện sự quyết tâm lớn của các doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý.
Theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 29.541 lao động (12.022 lao động nữ) tại 17 thị trường, đạt 32,82% kế hoạch năm 2021 (năm 2021, dự tính kế hoạch đưa 90 nghìn lao động ra nước ngoài làm việc), thấp hơn quý 1/2020 là 2.521 người. Dẫn đầu vẫn là những thị trường lớn như Nhật Bản, Đài Loan.
Các thị trường chủ lực
Trong quý I, thị trường Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu số lượng về tiếp nhận lao động Việt nam với 18.178 người, chủ yếu đi trong tháng 1/2021 với 17.995 người, còn tháng 2 và tháng 3 lần lượt là 179 và 44 người. Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), Nhật Bản là thị trường có chế độ đãi ngộ cho người lao động tốt, mức lương tương đối cao và ổn định. Vì thế, được sang Nhật Bản làm việc là mơ ước của không ít lao động Việt Nam. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên xuất khẩu lao động nói chung, xuất khẩu lao động sang Nhật Bản có chậm lại. Gần hết năm 2020, những lao động tham gia vào thị trường này gần như không xuất cảnh được. Từ tháng 2/2021, số người xuất cảnh được chủ yếu đã có visa từ trước và phải qua các biện pháp phòng dịch rất nghiêm ngặt. Không ít người lo lắng, nhưng ngay khi các doanh nghiệp kết nối lại được với thị trường này đã đem lại cơ hội cho nhiều lao động.
Theo đại diện Công ty cổ phần Nhân lực Tadashi (doanh nghiệp chuyên đưa lao động sang thị trường Nhật Bản làm việc), dự kiến trong năm 2021, đơn vị này sẽ đưa 800 lao động sang thị trường Nhật Bản với các ngành nghề điều dưỡng, nông nghiệp, điện tử, may mặc. Trong ít ngày tới, công ty đang hoàn thiện thủ tục để đưa 30 lao động xuất cảnh. Để vượt qua những khó khăn hiện nay, đại diện Tadashi cho rằng các doanh nghiệp cần thích ứng và linh hoạt trong tình hình mới là điều kiện tiên quyết để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động. Dù dịch bệnh có ảnh hưởng thì cũng phải trang bị đủ kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chủ động trao đổi với đối tác về quy định của các nước sở tại để người lao động được nhập cảnh hợp pháp, an toàn.
Thị trường Đài Loan đứng thứ 2 trong tiếp nhận lao động Việt Nam với 10.333 người, riêng trong tháng 1 là 4.707 người, tháng 2 là 2.464 người và tháng 3 là 3.162 người. Thống kê cho thấy số lao động đi làm việc tại thị trường này còn tăng hơn so với quý 1/2020 là 213 người.
Theo đánh giá, Đài Loan hiện kiểm soát tốt dịch và vẫn có nhu cầu cao về lao động nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động sang Đài Loan cơ bản vẫn duy trì được hoạt động của mình.
Bên cạnh Nhật Bản và Đài Loan, số lao động đi làm việc tại 15 thị trường khác chỉ là 1.748 người, trong đó cao nhất là Trung Quốc với 265 người, Rumanie 187 người, Hungaria 183 người và Hàn Quốc 135 người.
Cần bảo đảm an toàn cho người lao động trong đại dịch
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chính vì thế bên cạnh thực hiện các giải pháp để thúc đẩy đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo kế hoạch thì mục tiêu quan trọng không kém là bảo đảm an toàn cho người lao động.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4, Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài rà soát lao động có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trước khi xuất cảnh. Theo đó, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm những biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế và chính quyền sở tại khi tổ chức hoạt động tư vấn, tuyển chọn và đào tạo người lao động.
Các doanh nghiệp phải thực hiện yêu cầu 5K, trong đó có việc đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; duy trì khoảng cách an toàn theo quy định; khuyến khích tổ chức tuyển chọn, đào tạo thông qua hình thức trực tuyến.
Khi tổ chức cho người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp phải tuân thủ tuyệt đối các quy định, quy chế về phòng, chống dịch; quán triệt người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về y tế của cơ quan chức năng Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.
Minh Anh
TAG: