Ra đi làm thuê, ra về làm chủ
Theo Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, mang lại hiệu quả tích cực trong công tác kiến tạo việc làm và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Trong năm 2020 toàn tỉnh đã có gần 30.0000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó, có gần 1.200 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đạt được kết quả này tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ người lao động vay vốn từ nguồn Ngân hàng chính sách xã hội. Phần lớn lao động hết hạn hợp đồng làm việc 3 năm ở nước ngoài về nước đúng hạn, đã trả hết nợ vay vẫn còn tích lũy được số tiền từ 600-800 triệu đồng/người. Những lao động đã làm việc ở nước ngoài khi trở về nước đều có trình độ tay nghề, ý thức kỷ luật, phong cách làm việc hiện đại và trình độ ngoại ngữ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các nhà máy, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.
Công ty xuất khẩu lao động Hiteco phối hợp với Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk tổ chức tư vấn XKLĐ tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắm năm 2021
Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài của tỉnh không chỉ hướng tới mục đích “xóa đói giảm nghèo”, để mong mỗi người lao động đi kiếm được 30 triệu đồng/tháng gửi về quê, mà đưa người đi với tư duy “đi làm thuê để trở về làm chủ”. “Qua tìm hiểu, các em ra nước ngoài làm việc đều có thái độ tốt, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, nhất là các em bộ đội xuất ngũ. Đây là vốn quý để các em tiếp tục phát huy nghề nghiệp tương lai - ông Phan Trọng Tùng chia sẻ. Còn theo ông Lê Hải Lý – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk thông tin: trong 3 năm (2018-2020), toàn tỉnh có hơn hơn 3.000 lao động đi làm việc nước ngoài, trong đó đi làm tại Nhật Bản chiếm khoảng 80%. Lao động tỉnh Đắk Lắk đã tạo được uy tín rất tốt với các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản. Đồng thời, lao động của địa phương còn được phía phía Nhật Bản tín nhiệm, đánh giá cao và hợp tác tiếp nhận lao động làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay đã có hàng trăm lao động sang làm việc. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm đã tư vấn xuất khẩu lao động cho 1.040 lượt người lao động, giới thiệu đi sơ tuyển tại các công ty là 20 người, số lao động xuất cảnh là 05 người. Công tác xuất khẩu lao động đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS được Trung tâm triển khai kịp thời đến người lao động và được doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, ký hợp đồng đi làm việc ở ngước ngoài tại Hàn Quốc.
Người lao động đăng ký việc làm tại Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk
Bà Trần Thị Minh Lý – Trường phòng Lao động, Việc làm và GDNN, Sở LĐ – TBXH tỉnh cho biết, trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 mặc dù tình hình dịch bệnh Covid – 19 đã gây ảnh hưởng nặng nề, song Ngân hàng chính sách xã hội của tỉnh đã phát huy hiệu quả trong công tác giải quyết cho vay vốn tạo việc làm, đặc biệt là chính sách cho vay vốn đi xuất khẩu lao động đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thẩm định trên 2.400 dự án vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, số tiền cho vay trên 66 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho gần 3000 người lao động. Nguồn vốn cho vay tập trung chủ yếu cho hộ gia đình vay để đầu tư trồng, chăm sóc cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi nhằm phát huy tiềm năng sẵn có của địa phương. Thông qua việc cho vay vốn giải quyết việc làm của tỉnh đã khuyến khích phát triển sản xuất, đời sống người lao động được cải thiện và ổn định.
Bên cạnh đó, Sở LĐ - TB&XH tỉnh cũng đã tạo điều kiện, giới thiệu 45 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động về các địa phương trong tỉnh để phối hợp tổ chức tư vấn, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, các doanh nghiệp đã tư vấn trực tiếp cho hàng nghìn lượt lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài và đã có 1.400 lao động đi làm việc tại các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ả Rập Xê út, … đạt 200% kế hoạch năm. Đồng thời, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trong năm qua luôn được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức và cách làm sáng tạo. Công tác thông tin thị trường lao động, kết nối giữa người lao động và doanh nghiệp luôn được quan tâm. Sở cũng giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị đầu mối để phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Tỉnh đoàn Đắk Lắk, Hội liên hiệp Phụ nữ, chính quyền địa phương các cấp để tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, nắm nhu cầu tuyển dụng của, đơn vị, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tuyển dụng đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Người lao động đăng ký đi XKLĐ tại Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk năm 2021
Trong năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đã tư vấn về việc làm, học nghề cho trên 26.420 lượt người. Trong đó, Giới thiệu việc làm cho 10.768 lượt người. Số người có việc làm sau khi giới thiệu là 4.112 người, đạt kế hoạch của năm (4.100 người). Cung ứng lao động cho các đơn vị XKLĐ là 120 người. Riêng 6 tháng đầu năm 201, Trung tâm đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho 10.847 lượt người, đạt 43,4% kế hoạch của năm 2021. Trong đó, tư vấn việc làm cho 10.184 lượt người, đạt 48,5% so kế hoạch; Giới thiệu việc làm cho 4.178 lượt người, đạt 39,8% kế hoạch. Số người có việc làm sau khi giới thiệu là 1.900 người.
Theo đánh giá của ông Lê Hải Lý: Năm 2020 và 6 năm đầu 2021 trên các mặt công tác của Trung tâm đã đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra như: giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, dạy nghề và xuất khẩu lao động đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Công tác tư vấn, giới thiệu việc làm được thực hiện tốt với nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyên, phổ biến các thông tin về việc làm trong nước và xuất khẩu lao động được Trung tâm đặc biệt quan tâm và ngày càng được tăng cường đến khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, vùng xa, góp phần đưa công tác XKLĐ của địa phương trở thành điểm sáng trong khu vực Tây Nguyên trong thời gian qua.
Lao động nông thôn tỉinh Đắk Lắk đăng ký đi XKLĐ tại Trung tâm DVVL tỉnh
Còn theo bà Tạ Thị Lụa – Phó Giám đốc Công ty XKLĐ Hiteco chia sẻ: Qua nhiều năm hợp tác và tuyển chọn lao động tại tỉnh Đắk Lắk để đào tạo và đưa các thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản, chúng tôi đánh giá cao về chất lượng nguồn nhân lực của địa phương. Các thực tập sinh do Công ty phái cử đã học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích về chuyên môn, nghề nghiệp, rèn luyện tốt về tác phong công nghiệp, đặc biệt là nhiều em đã đạt được trình độ tiếng Nhật rất cao. Qua đó, mhiều thực tập sinh đã tích lũy được tài chính góp phần nâng cao đời sống gia đình , bản thân sau khi trở về nước và có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp, đặc biệt có những tu nghiệp sinh đã mở doanh nghiệp và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Còn theo đánh giá của ông Nishikawa, Chủ tịch Nghiệp đoàn KANTO (Nhật Bản), đơn vị tiếp nhận lao động từ Hiteco cho biết: Các thực tập sinh của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng rất chăm chỉ, thông minh, ham học hỏi và có nhiều sáng tạo mới trong lao động và học tập. Ngoài ra, các thực tập sinh còn thường xuyên trau dồi và nâng cao tiếng Nhật trong công việc. Các em thường tham gia các cuộc thi hùng biện bằng tiếng Nhật, tham gia nhiều hoạt động như giao lưu, gặp gỡ với người lao động do nghiệp đoàn tổ chức. Trong thời gian qua, Kento đã phối hợp tốt với Hiteco trong việc tiếp nhận phái cử các thực tập sinh sang Nhật Bản thực tập.
Ông Nishikawa, Chủ tịch Nghiệp đoàn KANTO cũng cho biết: Trong thời gian tới Nghiệp đoàn Kento sẽ tiếp tục thúc đẩy và hợp tác với Công ty Hiteco ngày càng có nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản tại Việt Nam tham gia chương trình gặp gỡ và tuyển chọn các thực tập sinh sau khi hoàn thành hợp đồng trở về nước đúng hạn để họ có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống cũng như phát huy tốt những gì đã học tập, lao động tại Nhật Bản trong 3 năm và đặc biệt hơn nữa là giảm thiểu được tình trạng lao động phá vỡ hợp đồng ra ngoài cư trú bất hợp pháp.
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền
NLĐ tìm hiểu thông tin về XKLĐ tại Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk
Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở LĐ- TB&XH tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hoạt động XKLĐ những năm qua tại địa phương cũng cho thấy, hiện đã xuất hiện những vấn đề cần được nghiên cứu, có biện pháp giải quyết thấu đáo để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của XKLĐ trong thời gian tới. Đó là vấn đề chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, chủ yếu do trình độ ngoại ngữ chưa đáp ứng, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao; vấn đề người lao động không thực hiện đầy đủ các quy định về xuất khẩu lao động. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kinh tế các nước có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài suy giảm mạnh nên nhiều công ty, doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc cắt giảm lao động. Bên cạnh đó, việc hạn chế đi lại của các nước để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh đã kéo theo lao động đã được lựa chọn vào đầu các kỳ phỏng vấn không thể xuất cảnh, đồng thời tâm lý của người lao động cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa muốn đăng ký đi xuất khẩu trong thời gian này.
Trung tâm DVVL tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Công ty XKLĐ Hiteco tổ chức tư vấn XKLĐ cho lao động nông thôn tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk năm 2021
Để khắc phục những khó khăn và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hình thức tuyên truyền các chính sách, pháp luật như: cho vay vốn, điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, chế độ đào tạo, thu nhập của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để giúp người lao động nắm bắt và chủ động lựa chọn thị trường lao động phù hợp. Đồng thời, Sở tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đối với huyện, thị tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể trong việc thông tin, tuyên truyền về chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, trong đó quan tâm triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, nhất là lao động diện chính sách, lao động thuộc hộ nghèo, khó khăn và con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật của người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt chú ý đến quyền lợi và trách nhiệm của người lao động và doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác theo dõi và quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài do các doanh nghiệp tuyển dụng đưa đi./.
Hoàng Cảnh