(LĐXH) - Trong những năm qua, lao động của Hà Nội đã tham gia làm việc có thời hạn ở nhiều nước, khu vực và vùng lãnh thổ như: Trung Đông, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước Châu Phi… qua đó đã mang lại thu nhập tốt cho bản thân, nhiều gia đình thoát nghèo và có cơ hội tái đầu tư phát triến sản xuất nâng cao thu nhập.
Lao động kiểm tra sức khỏe trước khi xuất cảnhTrong năm 2016, nhiều thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia đã có nhiều thay đổi trong chính sách của mình đối với việc tiếp nhận lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ, Thông tư số 45/2015/TT-BLĐTBXH ngày 11/11/2015 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15/6/2016 của liên Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính. Phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt các chương trình hợp tác đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài như: Chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc EPS, chương trình thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, chương trình điều dưỡng sang Cộng hòa Liên bang Đức... chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Trung tâm dịch vụ việc làm, các quận, huyện, thị xã thực hiện triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng và ở địa phương để thông tin đến kịp thời tới người lao động. Thường xuyên cập nhật các thông tin về các thị trường lao động, các chính sách pháp luật, chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, phổ bién rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông như báo, đài, và các phương tiện truyền thanh.
Xây dựng một trong những nghề đang có thu nhập cao tại Hàn Quốc Đối với công tác tạo nguồn, năm qua Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã giới thiệu 16 doanh nghiệp có chức năng XKLĐ xuống các huyện ngoại thành của Hà Nội để tạo nguồn lao động đi XKLĐ. Qua tổng hợp báo cáo của 135/165 công ty có chức năng XKLĐ trên địa bàn Thành phố Hà Nội gửi về Sở Lao động Thương binh và Xã hội, tổng số lao động Hà Nội đi xuất khẩu lao động đạt hơn 3.000 người. Trong đó số lao động đi Đài Loan chiếm nhiều nhất hơn 40%, tiếp đến là Nhật Bản hơn 30%, còn lại phân bổ rải rác ở các thị trường khác như Hàn Quốc; Malaysia, Ả Rập Xê Út, UAE và một số nước châu Phi.
Có thể khẳng định, thời gian qua cũng như định hướng trong những năm tiếp theo, lĩnh vực xuất khẩu lao động vẫn được Hà Nội xác định là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và nâng cao tác phong lao động, kỹ năng nghề, cho người lao động./.
NHB