Việc làm
Trang chủ / Lao động / Việc làm
Xín Mần (Hà Giang) khuyến khích lao động đi làm việc ngoài tỉnh
08:30 AM 01/08/2019
(LĐXH)- Khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi để người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh được xem là một trong số giải pháp đưa số lượng lao động trên địa bàn đi làm việc ngoài tỉnh tăng nhanh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang).
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Hoàng Nhị Sơn, cho biết: Điểm nổi bật trong công tác giải quyết việc làm ở Xín Mần là việc huyện đã tiến hành khảo sát, tiếp cận thị trường lao động và ký kết cung ứng lao động với các tỉnh như: Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên và thành phố Hải Phòng... Qua khảo sát thực tế cho thấy, với mức thu nhập bình quân của lao động làm việc ngoài tỉnh từ 5 – 8 triệu đồng, cá biệt có lao động làm việc tại các Công ty của Tập đoàn Than khoáng sản Việt nam từ 15 – 20 triệu đồng, làm tại Công ty Sam Sung trên 10 triệu đồng… Trong thời gian qua, nhiều lao động ở Xín Mần được đào tạo và làm việc tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty ngoài tỉnh với mức thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và nâng cao tiêu chí thu nhập trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của địa phương.

Gia đình ông Sùng Văn Quang xây được nhà mới nhờ số tiền tích góp và hỗ trợ của địa phương

Thực hiện chủ trương tăng cường xuất khẩu lao động của huyện Xín Mần, cấp ủy, chính quyền xã Bản Ngò đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân trên địa bàn. Từ việc liên kết với các doanh nghiệp trong vấn đề tuyển dụng, nhiều lao động đã đăng kí đi làm, toàn xã hiện có gần 200 lao động đang đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh. Số lượng lao động đăng ký tăng lên qua từng năm, chủ yếu làm việc tại các công ty, khu công nghiệp ở Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai... Trong đó, có 20 cặp vợ chồng đi làm việc ở tỉnh Đồng Nai, 36 lao động làm việc ở tỉnh Quảng Ninh và nhiều lao động đang làm việc ở các tỉnh khác, mức lương trung bình từ 5 - 10 triệu đồng/tháng. Có thu nhập, người dân có thêm điều kiện để sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng, đồ dùng và trang trải cuộc sống.
Ông Sùng Văn Quang, thôn Đán Khao, xã Bản Ngò phấn khởi tâm sự: Trước đây, gia đình cũng chỉ trông chờ vào con gà, con lợn, nhà nhiều nhân khẩu nên tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn còn xảy ra. Qua tìm hiểu thông tin từ nhiều lao động trong xã, ông Quang đã cho con trai đi làm việc tại công ty ngoài tỉnh. Ban đầu mới học việc thì vất vả hơn tí, nhưng sau quen việc thì đỡ hơn nhiều, mỗi tháng ngoài ăn uống cũng tiết kiệm được khoảng 4 - 5 triệu. Đây là nguồn thu nhập đáng kể để gia đình sửa chữa lại căn nhà kiên cố hơn, đảm bảo an toàn cho mùa mùa lũ sắp tới.
Chủ tịch UBND xã Bản Ngò Vàng Văn Cương, trao đổi: Bên cạnh việc triển khai nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, xã cũng khuyến khích lao động địa phương đi làm việc ở các doanh nghiệp ngoài huyện, ngoài tỉnh để có thêm thu nhập hỗ trợ gia đình. Nhờ thế, nhiều gia đình đã thoát được nghèo, những ngôi nhà mới kiên cố được xây dựng nhiều hơn, từng bước cải thiện đời sống của người dân. Đầu năm 2019, xã Bản Ngò tổ chức hội nghị gặp mặt giữa lao động đã đi làm ở các công ty, doanh nghiệp ở các tỉnh và thanh niên địa phương để nghe chia sẻ về điều kiện việc làm, nhu cầu làm việc và cuộc sống, thu nhập khi làm việc ở công ty, khu công nghiệp, qua đó để lao động địa phương có thêm định hướng cho mình hướng đi lao động bên ngoài. Đồng thời, xã cùng liên kết với các doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề của huyện để đào tạo ngành nghề phù hợp với điều kiện tuyển dụng. Đặc biệt, với sự kết nối của huyện đầu năm nay có 4 cặp vợ, chồng trên địa bàn xã đã được một công ty cao su ở tỉnh Đồng Nai tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập từ 5 – 8 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, xã Bản Ngò có 731 hộ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 37%, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm. Vì vậy, xuất khẩu lao động đang là hướng đi tích cực sẽ góp phần hoàn thành mục tiêu nâng mức thu nhập của xã trong năm nay.
Không chỉ riêng xã Bản Ngò, nhiều xã khác ở Xín Mần, như: Bản Díu, Xín Mần, Cốc Rế đều có số lượng lao động đi làm việc ở các tỉnh tăng lên theo hàng năm. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện Xín Mần đã giải quyết việc làm cho hơn 1 nghìn lao động địa phương, trong đó hơn 700 người đang làm việc ở các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Chủ tịch UBND huyện Xín Mần Hoàng Nhị Sơn cho biết thêm: Công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng lao động năm sau tăng so với năm trước. Ngoài các công ty trước đây đã tuyển dụng như than khoáng sản ở Quảng Ninh, may mặc ở Hải Dương, Bình Dương..., huyện đang ký kết hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Za Ghi huyện Mèo Vạc về việc tuyển dụng lao động đi làm việc ở Trung Quốc theo “thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới” giữa 2 bên. Đồng thời, giao cho các phòng, ban chuyên môn nghiên cứu, ban hành cơ chế hỗ trợ cho lao động địa phương đi làm việc ngoài tỉnh. Với việc thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng sẽ nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết lao động nông nhàn tại địa phương, đây cũng là chủ trương phát triển kinh tế, một trong những hướng thoát nghèo bền vững của huyện trong thời gian tới.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Kiên Giang tập trung thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm và giáo dục nghề nghiệp
Huyện Định Hóa: Tăng cường hỗ trợ việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững
Thành phố Thái Nguyên: Nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại Ngày hội việc làm năm 2024
Cà Mau: Giải quyết việc làm cho hơn 42.000 lao động trong 9 tháng đầu năm 2024
Hội thao kỹ thuật cấp cứu mỏ: Duy trì tác phong cứu hộ chuyên nghiệp và kỷ luật