Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Xây dựng môi trường trong lành, cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng
08:38 PM 19/07/2021
(LĐXH) - Không chỉ thực hiện tốt công tác điều trị, cai nghiện ma túy, thời gian qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng cũng đặc biệt chú trọng công tác quản lý và bảo vệ môi trường nhằm mang đến cho cán bộ, công nhân viên và học viên một môi trường sống và làm việc an toàn, trong lành với nhiều cây xanh.

Khu ăn ở sinh hoạt của học viên được bố trí gọn gàng, sạch sẽ
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng hiện đang tiếp nhận, chăm sóc và điều trị cho khoảng 150 học viên, trong đó bao gồm học viên bắt buộc và học viên tự nguyện. Sau khi tiếp nhận, học viên sẽ được kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án để tiến hành các bước điều trị phù hợp. Các diễn biến trong quá trình điều trị, thông tin về việc sử dụng thuốc đều được ghi rõ ràng trong bệnh án. Trong thời gian cắt cơn giải độc, các y bác sĩ thường xuyên thăm khám và theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe 24/24 giờ. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ tâm lý, giáo dục cho học viên các phép tắc cơ bản của cuộc sống, các chuẩn mực đạo đức truyền thống, các kỹ năng sống, giúp học viên thay đổi hành vi, hướng học viên tới các hoạt động tích cực, tạo cho học viên có thêm niềm tin, nghị lực và quyết tâm từ bỏ ma túy. Việc nắm bắt tâm lý học viên sẽ giúp học viên tuân thủ nền nếp tại cơ sở để quá trình cắt cơn, cai nghiện được thuận lợi.
Bà Phạm Thị Lan, Trưởng phòng Công tác cộng đồng, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng chia sẻ: “Trong suốt thời gian ở đây, không phải học viên nào cũng giống học viên nào. Mỗi học viên có tính cách, cũng như suy nghĩ và thái độ trong phối hợp để cai nghiện thì khác nhau. Có học viên khi cắt cơn được tư vấn giáo dục thì học viên ý thức được mình cần phải từ bỏ ma túy thì sẽ phối hợp trong quá trình cai nghiện tốt. Nhưng cũng có những học viên dù có giáo dục đến đâu, dù có nhắc nhở, dùng nhiều biện pháp vẫn không phối hợp và tỏ thái độ chống đối, không chấp hành quy chế. Có thể nói, để giúp một đối tượng từ cắt cơn đến đối tượng tái hòa nhập cộng đồng là cả một quá trình dài, không phải ngày một ngày hai”.
Cùng với việc chữa trị và tư vấn, công tác tuyên truyền cho các học viên được chú trọng, đẩy mạnh. Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, sinh hoạt cuối tuần nhằm trang bị các kiến thức cơ bản về ma túy và tác hại của ma túy, HIV/AIDS và cách phòng tránh; Luật Phòng chống ma túy; các bệnh nhiễm trùng cơ hội, các bệnh mãn tính dễ mắc và lây nhiễm khi cơ thể suy nhược, nhất là do sử dụng ma túy. Trong các dịp lễ, tết của ngành, của đất nước, đơn vị cũng tổ chức tọa đàm, tạo sân chơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để các học viên cùng tham gia. Cùng với việc điều trị cắt cơn ở đây, các học viên cũng được tham gia các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe để nâng cao thể trạng, nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái.
Các học viên thường xuyên được tuyên truyền về công tác giữ gìn vệ sinh môi trường

Ngoài ra, cơ sở còn chủ động phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Hòa An lập danh sách cho học viên tham gia học nghề với các ngành nghề trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa đầu nổ. Đối với người sau cai nghiện ma túy, sự hỗ trợ của chính quyền, cộng đồng để ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, giúp đỡ họ có việc làm, học nghề là vô cùng cần thiết. Bởi vậy, cần nhiều hơn nữa sự hỗ trợ, giúp sức, nỗ lực của cả cộng đồng để bản thân mỗi người nghiện nhận ra tác hại của ma túy và quyết tâm từ bỏ, làm lại cuộc đời.
Không chỉ tập trung thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cao Bằng còn đặc biệt chú trọng công tác quản lý và bảo vệ môi trường như thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ và học viên trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường; Việc thu gom, lưu trữ, vận chuyển, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải rắn, chất thải y tế. Hệ thống xử lý nước thải bảo đảm trước khi xả thải ra môi trường đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nước thải. Cùng với đó là kiểm soát, xử lý nấm mốc, đường nội bộ, cây xanh, hành lang và cảnh quan môi trường theo quy mô, tính chất, đặc điểm hoạt động của cơ sở. Trang bị phương tiện bảo hộ lao động cho các đối tượng tham gia lao động tại cơ sở.
Hiện nay, cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã xuống cấp, chật hẹp, không đảm bảo đáp ứng nhu cầu quản lý, sinh hoạt của đối tượng cai nghiện tại cơ sở. Việc tổ chức lao động trị liệu, dạy nghề, tạo việc làm cho học viên trong đơn vị còn hạn chế. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, người lao động tại cơ sở vẫn cố gắng khắc phục khó khăn để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Với phương châm: xây dựng một môi trường Xanh-Sạch-Đẹp, Cơ sở đã trồng thêm nhiều cây xanh, bố trí chậu hoa, cây cảnh tại các khu vực đường đi, hành lang, cầu thang. Vườn hoa, cây cảnh được chăm sóc, cắt tỉa gọn gàng, khuôn viên được quét dọn, lau chùi, sơn, sửa sạch, đẹp. Đồ dùng, quần áo người bệnh, giường tủ trong các phòng ở của học viên được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp… Bên cạnh đó, Cơ sở đảm bảo nguồn nước ăn, uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, bố trí nhiều thùng rác cho việc phân loại rác thải thuận tiện…
Đặc biệt, Cơ sở cai nghiện luôn trú trọng tới công tác tuyên truyền về môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cán bộ và học viên với các chủ đề như “Vì một thế giới sạch hơn”; “Tác hại của ô nhiễm môi trường với sự sống con người”; “Từ chối nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy”… thường xuyên được tuyên truyền trên hệ thống phát thanh nội bộ và trong các buổi sinh hoạt tập thể của cán bộ, học viên. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, ý thức của học viên về bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường đã được nâng lên, góp phần xây dựng Cơ sở thành nơi cai nghiện lý tưởng cho những người lầm lỡ./.
 
Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng
Những tấm gương thương binh ở Nam Định vươn lên chiến thắng đói nghèo
Chủ động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống mại dâm
Nghệ An nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới
Nhìn lại công tác phòng, chống mại dâm tại một số địa bàn trọng điểm
Tăng cường tuyên truyền nhận biết các hình thức mại dâm trá hình
Huyện Thạnh Trị: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững
Nghệ An: Triển khai nhiều hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em
Nghệ An: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em