Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Xuân Trung nêu cao đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”
04:50 PM 16/12/2020
(LĐXH) - Xuân Trung là một xã thuộc huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Hiện nay, đối tượng chính sách và người có công với cách mạng trên địa bàn xã được hưởng trợ cấp thường xuyên là 268 người, trong đó có 1 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 89 thương binh và bệnh binh, 54 người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam điôxin…
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tiếp tục giải quyết các chính sách về thương binh, liệt sĩ, chế độ đãi ngộ người có công với cách mạng, Đảng bộ và nhân dân xã Xuân Trung đã nêu cao truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” phát động phong trào toàn Đảng, toàn dân thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ. Xã đã tích cực thực hiện các Pháp lệnh ưu đãi người có công, Pháp lệnh phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các Quyết định, Nghị định của Chính phủ, công tác thương binh, liệt sĩ và người có công của xã ngày càng được coi trọng, được chỉ đạo chặt chẽ và đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng cơ bản được xã thực hiện tốt, đảm bảo đầy đủ, kịp thời đối với thương, bệnh binh; thân nhân liệt sỹ; Bà mẹ VNAH; người hoạt động cách mạng trước và trong Cách mạng tháng Tám; người hoạt động cách mạng, HĐKC bị địch bắt tù đày; người HĐKC bị nhiễm CĐHH; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; người có công giúp đỡ cách mạng…. Hàng tháng, xã tổ chức chi trả kịp thời trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng người có công, thân nhân người có công. Từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 7/2020, xã đã hướng dẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp chế độ nạn nhân chất độc da cam cho 1 trường hợp; xác nhận 6 trường hợp học sinh, sinh viên là con của thương, bệnh binh; chi trả chế độ mai táng phí cho 2 trường hợp.  
Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, UBND xã Xuân Trung đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chính sách hỗ trợ, quy trình thủ tục thực hiện trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh. MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã tham gia tuyên truyền, hướng dẫn người trong diện được hỗ trợ làm hồ sơ theo quy định; danh sách các đối tượng được thụ hưởng: người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được công khai trên hệ thống loa truyền thanh xã. Việc thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng vừa đảm bảo an sinh xã hội vừa đảm bảo an ninh - trật tự xã hội tại địa phương, đúng với tinh thần và mục tiêu của Nghị quyết 42. Đến nay, xã có 194 trường hợp người có công, thân nhân người có công được hưởng trợ cấp với số tiền 291 triệu đồng. 
Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công trên địa bàn xã được chính quyền và các đoàn thể  quan tâm thực hiện nhằm giúp người có công ổn định về chỗ ở, an cư lập nghiệp. Xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo xã, thôn và các đoàn thể liên quan để nhanh chóng triển khai thực hiện Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở. Tính đến hết tháng 7/2020, có 36 trường hợp được hỗ trợ nhà ở, trong đó 9 trường hợp xây mới, 27 trường hợp sửa chữa với tổng số tiền 900 triệu đồng.
Nhiều cá nhân trên địa bàn xã Xuân Trung luôn có tấm lòng và nhiệt tình đóng góp công sức chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ của địa phương
Công tác mộ liệt sĩ được cán bộ và nhân dân trong xã chung tay quan tâm. Từ năm 2010 đến nay, bằng nguồn ngân sách và huy động trong cộng đồng, xã tu bổ nâng cấp phần mộ liệt sĩ, khuôn viên Nghĩa trang liệt sĩ: xây dựng các phần mộ, tượng đài, cổng, tường rào, 2 nhà bia với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Nhiều cá nhân điển hình là người dân địa phương và con em xa quê như các ông: Trần Đình Am, Nguyễn Hải Hưng, Trần Minh Hoan… đã đóng góp tích cực trong công tác này. Đặc biệt tấm gương của bà Trần Thị Xuân, xóm 3, xã Xuân Trung là con dâu của mẹ Việt Nam Anh hùng Đoàn Thị Đậm đã bỏ công hàng năm trời để chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ địa phương.
 Bà có 2 anh trai chồng hy sinh năm 1967 ở Quảng Trị và năm 1968 tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bà Xuân cho biết: Chồng bị bệnh, mất sớm nên bà dặn lòng phải thay chồng và mẹ chồng chăm lo phần mộ các liệt sĩ. Ban đầu bà tìm đến các chị trong đội tập tế của xã vận động chị em sau mỗi buổi tập đến nghĩa trang dọn cỏ. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người trong xã biết tin đã tự nguyện đến nghĩa trang quét dọn giữ cho Nghĩa trang luôn sạch. Tiếp đó, bà Xuân đến các gia đình có hoa để xin giống về nhân tại Nghĩa trang liệt sĩ. Đến nay Nghĩa trang liệt sĩ của xã luôn rực rỡ sắc màu của hoa mười giờ, hoa cúc, hoa huệ... Hiện nay, Nghĩa trang liệt sĩ đã có hệ thống nước nên tiện cho bà tưới cây hàng ngày. Nhìn những luống hoa rực rỡ, bà như làm tròn được trách nhiệm thay chồng đền đáp công ơn các anh trai và như một người em, một người con của quê hương đền ơn đáp nghĩa công lao các anh hùng liệt sĩ. Bà Xuân cũng là thành viên tích cực trong phong trào “Lá lành đùm lá rách”. Bà tìm đến những người nhiễm chất độc da cam, học sinh nghèo vượt khó để thăm hỏi, tặng quà. Riêng vườn hoa Nghĩa trang liệt sĩ, bà Xuân đã giao nhiệm vụ cho con gái hiện đang làm giáo viên tại địa phương cùng bà chăm sóc để nơi đây lúc nào cũng có nhiều hoa tươi, hoa đẹp.
Cùng với chế độ đãi ngộ của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã góp phần quan trọng trong việc chăm sóc, giúp đỡ các gia đình đối tượng chính sách người có công, tạo điều kiện cho nhiều gia đình người có công vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, xây mới các công trình ghi ơn, ghi công người có công; thăm hỏi, tặng quà người có công nhân dịp lễ, tết; trợ cấp cho người có công có hoàn cảnh khó khăn đột xuất; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho người có công… được thường xuyên thực hiện. . Ngoài ra, nhiều tổ chức, đoàn thể còn tổ chức các hoạt động chăm sóc, tặng quà trực tiếp cho đối tượng chính sách như phong trào giúp ngày công, vốn, giống, cây trồng, vật nuôi cho gia đình chính sách của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… thu hút đông đảo hội viên tham gia. Để góp phần nâng cao đời sống cho người có công, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở Xuân Trung đã tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Hàng năm xã huy động trên 40 triệu đồng để phục vụ cho các hoạt động chăm lo người có công.
Trong thời gian tới, xã Xuân Trung sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp chăm sóc người có công trên cơ sở huy động mọi nguồn lực xã hội kết hợp với nguồn lực của Nhà nước, bảo đảm người có công có mức sống từ trung bình trở lên. Qua đó, tăng cường lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về sự hi sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng; xác định việc chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng là bổn phận, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác người có công./.

Mỹ Hạnh
TAG:
Tin khác
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
Lạng Sơn: Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng, giúp giảm nghèo bền vững
Huyện Lộc Hà: Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo
Huyện Bắc Sơn: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình giảm nghèo
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam gặp mặt các nhà tài trợ đồng hành cùng trẻ em khó khăn
Phú Thọ đẩy nhanh tiến độ thu nhận mẫu ADN cho thân nhân liệt sĩ
Hà Tĩnh: Chú trọng công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024
Trách nhiệm và nghĩa tình ở vùng đất cách mạng Trường Sơn
Cẩm Xuyên: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo