Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội nỗ lực vì an sinh xã hội Thủ đô
(LĐXH)- Ngày 10/10/1954, hàng vạn người dân Hà Nội vỡ òa trong niềm vui đón đoàn quân trở về, tiếp quản Thủ đô. 70 năm qua, Hà Nội đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, an sinh xã hội (ASXH).., vươn lên trở thành một trong những đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á. Trong những kết quả nổi bật đó có sự đóng góp tích cực, quan trọng của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội.
Chủ động tham mưu, triển khai tốt công tác lao động, người có công và xã hội
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội là cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố Hà Nội, tham mưu, giúp UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực lao động (LĐ), người có công (NCC) và xã hội (XH). Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, toàn ngành luôn phát huy truyền thống đoàn kết gắn bó, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, HĐND thành phố Hà Nội, từ năm 2021 đến tháng 8/2024, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND thành phố ban hành 135 văn bản bao gồm các chương trình, nghị quyết, kế hoạch, đề án, quyết định... để triển khai công tác LĐ, NCC và XH trên địa bàn thành phố hàng năm và giai đoạn; tham mưu Thành ủy ban hành một trong mười chương trình công tác lớn thực hiện toàn khóa XVII; đề xuất UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành 16 qui định về mức chi, trong đó có nhiều chính sách đặc thù và nhiều văn bản qui phạm pháp luật quan trọng của thành phố thực hiện công tác ASXH nhằm nâng cao đời sống nhân dân Thủ đô.
Hằng năm, Sở đều chủ động ban hành chương trình công tác và các kế hoạch theo từng lĩnh vực để triển khai và cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phố đã đề ra.
Sở thường xuyên quán triệt, phổ biến, tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, thành phố về chính sách xã hội đến toàn thể nhân dân, qua đó giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chính sách ASXH đối với sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực ở địa phương và toàn xã hội chăm lo đến công tác ASXH trên địa bàn.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà (bìa phải) và đồng chí Bạch Liên Hương (bìa trái) trao quà tới trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên học tập tốt
Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực việc làm, Sở đã tham mưu UBND thành phố thực hiện các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động (TTLĐ) như: Đẩy mạnh kết nối cung cầu LĐ thông qua tổ chức các phiên giao dịch việc làm; Nâng cao chất lượng dự báo TTLĐ ngắn hạn và dài hạn về nguồn nhân lực Thủ đô; Tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý và cho vay nguồn vốn ngân sách thành phố, quận, huyện ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội; Đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nâng cao chất lượng dạy nghề, tăng cường gắn kết cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ sử dụng…
Kết quả, số LĐ được tạo việc làm mới năm 2023 là 214.258 người, đạt 132,2% kế hoạch, tăng 11.231 việc làm mới, tương đương tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2022. 8 tháng đầu năm 2024 có 164.093 LĐ được giải quyết việc làm, đạt 99,4% kế hoạch năm 2024. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị năm 2024 trên địa bàn thành phố dự kiến giảm còn dưới 3%, đạt mục tiêu Thành phố đề ra cho giai đoạn 2021 - 2025.
Sở cũng đã chủ động tham mưu thành phố ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thành phố Hà Nội đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong GDNN thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời chỉ đạo các Sở, ngành, đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh GDNN...
Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh đào tạo 720.493 lượt người, đạt 106,74% chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn đề ra, góp phần đưa tỷ lệ LĐ (đang làm việc) qua đào tạo tăng liên tục hàng năm, tăng từ 71,1% năm 2021 lên 73,23% năm 2023 và ước đạt 74,2% vào cuối năm 2024. Kết quả tuyển sinh, đào tạo, tốt nghiệp và tỷ lệ LĐ qua đào tạo liên tục tăng trong những năm gần đây đã khẳng định chất lượng GDNN Thủ đô ngày càng được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực của TTLĐ.
Bên cạnh đó, ngành LĐTBXH Hà Nội đã duy trì, triển khai thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được mở rộng; chính sách tiền lương được thực hiện tốt, quan hệ lao động trong các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sự hài hòa, ổn định, tiến bộ. Công tác quản lý, cấp phép cho NLĐ nước ngoài tại Việt Nam tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tiếp tục được đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm tra nhằm ngăn ngừa các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra.
Đồng chí Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội trao 5 tấn gạo hỗ trợ người dân huyện Mỹ Đức bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo bền vững
Những năm qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đầu tư và thực hiện. Căn cứ các văn bản pháp luật hiện hành và tình hình thực tế của Thủ đô, Sở LĐTBXH đã tham mưu thành phố ban hành một số chính sách đặc thù và qui định chuẩn nghèo của thành phố cao hơn chuẩn nghèo quốc gia.
Có thể kể tới một số chính sách đặc thù của Hà Nội như: Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo; Hỗ trợ 100% số tiền đóng học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông là thành viên hộ nghèo được công nhận thoát nghèo; Xây dựng Chương trình phối hợp giữa Sở LĐTBXH và Ban Thường vụ UB MTTQ thành phố về thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững; Thực hiện lồng ghép các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số với chính sách hỗ trợ hộ nghèo; gắn việc thực hiện chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới với chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững.
Chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, thành phố đã triển khai kế hoạch hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 15 huyện, thị xã với mục tiêu xóa 100% nhà ở xuống cấp, hư hỏng. Kết quả, đã có 714/714 hộ nghèo, hộ cận nghèo tiến hành khởi công xây dựng, sửa chữa nhà (đạt 100%); tổng số tiền đã giải ngân là hơn 66,911 tỷ đồng.
Với sự quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành LĐTBXH Hà Nội, sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cuối năm 2023, toàn thành phố chỉ còn 690 hộ nghèo (tương đương còn 0,03%), thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, có 19/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo. Dự kiến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố chỉ còn dưới 0,01% và cuối năm 2025 không còn hộ nghèo.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương trao tặng quà
người có công và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của tỉnh Quảng Trị trị giá 570 triệu đồng vào tháng 7/2024
Quan tâm, chăm lo chu đáo người có công với cách mạng
Hà Nội là một trong những địa phương luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu tiếp nhận thân nhân liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, thương binh, bệnh binh nặng vào nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng NCC của thành phố.
Hiện nay, thành phố đang quản lý và thực hiện chế độ chính sách đối với gần 800 nghìn người hưởng chế độ ưu đãi NCC với cách mạng với tổng kinh phí hơn 183 tỷ đồng/tháng. Hằng năm, ngành LĐTBXH đã thực hiện tốt việc giải quyết chính sách NCC, đảm bảo các chính sách được thực hiện đúng, đủ, kịp thời. Trong giai đoạn 2021 đến tháng 8/2024, ngành LĐTBXH đã tham mưu, giải quyết 75.235 lượt hồ sơ đề nghị hưởng chế độ ưu đãi NCC và thân nhân NCC trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến nay, các chỉ tiêu phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của Hà Nội đều hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”. Vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” toàn thành phố đạt 154,88 tỷ đồng; tặng 14.712 sổ tiết kiệm tình nghĩa với kinh phí trên 27,1 tỷ đồng; hỗ trợ tu sửa nâng cấp nhà ở đối với 1.129 hộ gia đình NCC với kinh phí trên 45,1 tỷ đồng; 100% Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng.
Triển khai tốt các chính sách trợ giúp thường xuyên, trợ giúp đột xuất
Trên cơ sở các qui định của Trung ương và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Sở LĐTBXH đã tham mưu thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân Thủ đô như: Áp dụng mức chuẩn nghèo, mức chuẩn trợ cấp xã hội của thành phố cao hơn mức chuẩn Trung ương qui định; Hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho người cận nghèo; Cấp thẻ xe buýt miễn phí đối với người trên 60 tuổi và người khuyết tật.
Các chính sách trợ giúp hàng tháng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng qui định đối với các đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) tại cộng đồng và đối tượng tại các trung tâm BTXH. Đảm bảo 100% các đối tượng thuộc diện BTXH được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan; 100% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ xã hội dưới các hình thức khác nhau. 100% trẻ em (TE) có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc bằng nhiều hình thức khác nhau. Người cao tuổi được quan tâm, chăm lo chu đáo để sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Toàn Thành phố hiện có trên 203 nghìn đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng với kinh phí chi trả khoảng 1.500 tỷ đồng/năm. Công tác bảo vệ, chăm sóc TE được chú trọng, các quyền của TE được thực hiện ngày càng tốt hơn, bình đẳng giới ngày càng thực chất. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và thành phố về tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid 19 và chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Sở LĐTBXH đã tham mưu thành phố quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo ASXH và đời sống nhân dân, trong đó, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid 19 được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Toàn thành phố đã hỗ trợ cho hơn 515,5 nghìn người với tổng số tiền hơn 608,5 tỷ đồng bao gồm các đối tượng: NCC, BTXH, nhân khẩu thuộc hộ nghèo, cận nghèo, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (HĐLĐ), nghỉ việc không lương, NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, LĐ không có giao kết HĐLĐ bị mất việc làm và hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19.
Thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) khó khăn (thực hiện từ năm 2021 – 2022), toàn thành phố đã thẩm định hồ sơ và phê duyệt hỗ trợ cho hơn 2,9 triệu lượt đối tượng với kinh phí 2.975,4 tỷ đồng; phê duyệt hồ sơ và hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 429,4 nghìn lượt NLĐ của 13,9 nghìn đơn vị với số tiền hơn 224,9 tỷ đồng. Nhìn chung, công tác hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ và các đối tượng khó khăn trên địa bàn thành phố theo chính sách của Trung ương và chính sách đặc thù của thành phố được triển khai thực hiện đúng qui định, đúng đối tượng, kịp thời, minh bạch, thiết thực hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn trước mắt.
Ngày 12/9/2023, trên địa bàn thành phố xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người. Chỉ sau 10 ngày, tại kỳ họp chuyên đề tháng 9/2023, Sở LĐTBXH đã tham mưu UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi vụ cháy tại phố Khương Hạ, Phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội với 7 nội dung, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 6,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách (chưa bao gồm kinh phí cấp cứu và điều trị nạn nhân tại các cơ sở y tế)…
Những kết quả ấn tượng mà ngành LĐTBXH Hà Nội đạt được nêu trên đã góp phần đưa công tác ASXH liên tục nằm trong các sự kiện tiêu biểu của Thủ đô, đồng thời đóng góp quan trọng vào việc đảm bảo ASXH, an dân, an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố, góp phần vào sự phát triển vượt bậc của Hà Nội sau 70 năm giải phóng, xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô “văn hiến, văn minh, hiện đại và hạnh phúc”./.
Bạch Liên Hương
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội
TAG:
an sinh xã hội Thủ đô
Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương
trợ giúp thường xuyên