An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Xã Long Vĩnh (tỉnh Trà Vinh): Điểm sáng trong công tác giảm nghèo
09:34 AM 24/05/2021
(LĐXH) - Với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong công tác giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo tại xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã giảm còn 2,26%. Kết quả giảm nghèo đã góp phần rất lớn để xã Long Vĩnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020.
Xã Long Vĩnh đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo thông qua việc triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực
Long Vĩnh là xã vùng sâu, ven biển của huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, có diện tích tự nhiên 9.637,2 ha. Tổng dân số chung toàn xã là 3.351 hộ với 14.067 nhân khẩu (trong đó có 993 hộ dân tộc khmer, với 4.141 nhân khẩu, chiếm 29,4% dân số chung). Toàn xã hiện có 93 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,78% (trong đó có 53 hộ nghèo dân tộc khmer, chiếm tỷ lệ 1,85% so số hộ nghèo chung). Xã Long Vĩnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/01/2017 và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo theo Quyết định số 810/QĐ-TTg ngày 13/5/2016.
Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã xác định giảm nghèo là mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội quan trọng hàng đầu; quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giảm nghèo, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tích cực tham gia phong trào xã hội hóa các hoạt động giảm nghèo; vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo và phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai bình đẳng trong bình xét hộ nghèo. Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa của công tác giảm nghèo và trách nhiệm thực hiện công tác giảm nghèo. Định kỳ hàng năm, Ủy ban nhân dân xã, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chi bộ các ấp có kế hoạch phân công các đảng viên, hội viên, đoàn viên và những người có điều kiện, nhất là khả năng về kinh tế, hiểu biết về khoa học kỹ thuật, cách làm kinh tế gia đình có hiệu quả, tự nguyện giúp đỡ các hộ nghèo, đến nay mỗi đoàn thể có từ 3 đến 5 mô hình giảm nghèo có hiệu quả cho hội viên mình.
Với việc thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới
nâng cao
Hàng năm, chủ động xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê lại thực trạng số hộ nghèo của xã; phân loại hộ nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo, nhu cầu của từng hộ, từng nhóm hộ, để có biện pháp giúp đỡ thiết thực, định kỳ sơ kết đánh giá tình hình thực hiện giảm nghèo để đánh giá ưu điểm, hạn chế đưa ra giải pháp thực hiện tốt hơn. Cụ thể đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo chí thú làm ăn, có quyết tâm vươn lên để thoát nghèo nhưng không có tay nghề, không có tư liệu sản xuất thì cho học nghề, tạo việc làm mới, vận động tham gia xuất khẩu lao động… Đối với những hộ thiếu vốn, thiếu kỹ thuật thì ưu tiên trợ giúp vốn sản xuất và nâng mức vốn đầu tư hợp lý, tập huấn kỹ thuật, học tập kinh nghiệm hướng dẫn sản xuất… Đối với những hộ trong gia đình có người khuyết tật, bệnh đau, quá tuổi lao động cần thực hiện chính sách bảo trợ xã hội thường xuyên. Đối với nhóm hộ nghèo, cận nghèo thiếu ý chí tự lực vươn lên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ các nguồn lực xã hội thì cần có biện pháp hỗ trợ thích hợp để tác động nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn với tổng số tiền trên 2,2 tỷ đồng, hỗ trợ 9 mô hình nuôi dê, nuôi cua, nuôi bò, có 179 hộ nghèo thực hiện mô hình giảm nghèo. Hỗ trợ đất ở theo Quyết định 29 của Chính phủ cho 45 hộ nghèo người dân tộc, bình quân mỗi hộ 300 m2, với tổng số tiền 1,48 tỷ đồng.  Hỗ trợ đất ở cho hộ nghèo người kinh theo Quyết định số 11/QĐ-UBND của UBND tỉnh Trà Vinh cho 29 hộ với số tiền 725 triệu đồng. Hỗ trợ hộ nghèo cải thiện vệ sinh môi trường cho 536 hộ với số tiền 3,2 tỷ đồng. Thực hiện chính sách trợ giá, trợ cước cho 311 hộ nghèo nhận trợ giá tôm sú giống 2.685.000 con. Hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/TTg cho 632 triệu đồng.
Các mô hình phát triển sản xuất mang lại thu nhập cho người dân, giúp giảm nghèo bền vững
Ngoài ra, các hình thức giúp đỡ nhau về vốn sản xuất trong đoàn thể được thực hiện đạt hiệu quả. Xã Long Vĩnh duy trì tốt “Quỹ vì người nghèo”, “Tổ tiết kiệm - tín dụng”; quỹ tín dụng cho người nghèo đúng đối tượng, không thất thoát. Cụ thể, thông qua các hội đoàn thể đã hỗ trợ cho vay trên 32,4 tỷ đồng; Ngoài ra, phối hợp với ban, ngành tỉnh, huyện, mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo trong dịp Tết với số tiền 2,25 tỷ đồng; Vận động Quỹ vì người nghèo được 170 triệu đồng; Nhà nước hỗ trợ xây nhà tình nghĩa 121 căn; Mặt trận, các ngành, đoàn thể xây dựng 34 căn nhà đại đoàn kết, 3 căn nhà nhân ái.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, qua 5 năm thực hiện, toàn xã đã giảm được 779 hộ nghèo, tỷ lệ giảm bình quân hàng năm 4,71%. Số hộ nghèo còn lại là 76 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,26%. Kết quả giảm nghèo đã góp phần rất lớn để xã Long Vĩnh tỉnh Trà Vinh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 và đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2020.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoan 2016-2020, xã gặp một số khó khăn nhất định như: Nguồn lực kinh phí của Trung ương hỗ trợ so với nhu cầu của địa phương còn hạn chế để thực hiện từng hoạt động của dự án như xây dựng cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Một số hộ nghèo có được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước nên sinh ra tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa công tác giảm nghèo chưa thực sự có hiệu quả.
Từ kết quả công tác giảm nghèo thời gian qua, xã Long Vĩnh rút ra bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, công tác giảm nghèo phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thông qua các chương trình, kế hoạch; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội, các tổ chức, cá nhân. Thứ hai, cần xác định địa bàn trọng điểm hộ nghèo vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tập trung nguồn lực đầu tư; coi trọng công tác điều tra, rà soát để xác định đúng hộ nghèo, nguyên nhân nghèo, nhu cầu thoát nghèo làm căn cứ để xây dựng kế hoạch giảm. Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo. Thiết lập hệ thống theo dõi đánh giá toàn diện để nâng cao hiệu quả của chương trình giảm nghèo, tạo cơ hội cho người nghèo tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, hiệu quả, đúng đối tượng thụ hưởng. Thứ tư, công tác truyền thông và tuyên truyền phải thường xuyên, đồng bộ để tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, cách làm. Chính quyền địa phương thường xuyên đối thoại trực tiếp với người nghèo để xác định rõ trách nhiệm cũng như nâng cao ý thức tự lực vươn lên, chống tư tưởng mặc cảm, tự ti, ỷ lại; năng động, tự chủ trong quá trình thoát nghèo của bản thân người nghèo. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể trong việc giúp đỡ hộ nghèo về vốn, dạy nghề, kinh nghiệm sản xuất. Thứ năm, tăng cường đội ngũ cán bộ có năng lực, tâm huyết làm công tác giảm nghèo, quan tâm sâu sát cơ sở./.
Hồng Phượng
TAG:
Tin khác
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
Phát huy sức mạnh liên ngành trong công tác trẻ em
Hải Hậu triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững
Nam Định nỗ lực giảm nghèo bền vững
Ninh Bình: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống mua bán người
Quảng Ninh tích cực vận động nguồn lực xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
Bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội từ 25/12