Ninh Bình: Nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng, chống mua bán người
(LĐXH) – Các cấp, ngành của tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tệ nạn mua bán người…
Trong những năm qua, tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên Thế giới và trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung và các nước Tiểu vùng sông Mê Kông nói riêng, trong đó có Việt Nam, hoạt động tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em vẫn đang diễn ra; trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm mua bán người ở nước ta xảy ra ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, với thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước, với nhiều thủ đoạn hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi…
Trước thực trạng đó, tỉnh Ninh Bình đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về tệ nạn mua bán người; cũng như thực hiện tốt công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, hướng dẫn các ngành, tổ chức đoàn thể và các địa phương thực hiện việc tiếp nhận, xác minh và bảo vệ nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Thời gian qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Bình đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về tái hòa nhập cộng đồng. Rà soát, thống kê, lập hồ sơ quản lý nạn nhân bị mua bán. Đôn đốc, hướng dẫn công tác tiếp nhận và thực hiện các chế độ hỗ trợ tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh. Tổ chức thực hiện các quy trình chuyển tuyến hoặc đưa nạn nhân về nơi cư trú. Tổ chức tập huấn, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.
Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người -30/7” năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 02 hội nghị tập huấn, tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống mua bán người và công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tuyên truyền về đường dây nóng tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111)… cho trên 300 đại biểu là cán bộ, người dân tại cộng đồng; cấp kinh phí hỗ trợ 02 xã trên thực hiện tuyên truyền công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên hệ thống đài truyền thanh xã; cấp phát 1.000 tài liệu tuyên truyền về phòng, chống mua bán người và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho các xã, phường, thị trấn và người dân tại cộng đồng.
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người -30/7” năm 2024. Cụ thể: Tổ chức 10 buổi tuyên truyền thu hút 1.800 lượt người tham gia; thực hiện viết 30 tin bài tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh cấp huyện, xã với các nội dung tuyên truyền về dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, các phương thức phòng, chống tội phạm mua bán người, tuyên truyền về đường dây nóng tư vấn hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (thông qua Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111); treo 83 băng zôn; sửa chữa, làm mới 25 pano, khẩu hiệu… thông qua công tác tuyên truyền để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, thống kê và tổ chức tiếp nhận số nạn nhân bị mua bán trở về; chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất chăm sóc, nuôi dưỡng khi tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Trong tháng 7/2024, toàn tỉnh không có trường hợp nạn nhân bị mua bán.
Công tác quản lý người lao động của tỉnh đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố định kỳ rà soát, thống kê số lượng người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước tổ chức hướng dẫn các thủ tục cần thiết, bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi xuất cảnh; Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, chính quyền địa phương nơi người lao động đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi xuất cảnh để tuyên truyền, thông báo tới thân nhân người lao động vận động, tuyên truyền người lao động chấp hành pháp luật của Việt Nam và nước sở tại, khi hết hạn hợp đồng lao động phải về nước đúng thời hạn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 158 doanh nghiệp sử dụng 931 người nước ngoài (trong đó lao động mang quốc tịch Trung Quốc 467 người, Đài Loan 97 người; Hàn Quốc 171 người; số lao động mang quốc tịch khác là 196 người). Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện việc quản lý lao động là người nước ngoài theo đúng quy định; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng lao động nước ngoài; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài để phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định.
Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, công tác phòng, chống tệ nạn mua bán người trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được thực hiện tốt. Góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn./.
Hưng Cảnh
TAG: