Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Vũ Quang (Hà Tĩnh) phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"
05:54 PM 05/06/2019
(LĐXH)- Trong những năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Huyện ủy, UBND huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, góp phần ổn định an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Toàn huyện hiện có 4.251 đối tượng người có công được xác nhận, gồm: 750 liệt sỹ, 738 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh, 129 bệnh binh; 242 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học  (trực tiếp 103, gián tiếp 139); 95 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa (3 cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống); 6 người hoạt động cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 41 bà mẹ Việt Nam anh hùng (trong đó có 2 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng chăm sóc đến hết đời); trên 2.000 người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến. Đến nay, tổng số đối tượng người có công và thân nhân đang được hưởng trợ cấp hàng tháng là 1.333 người với kinh phí trên 2,3 tỷ đồng/tháng.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đến thăm, chúc Tết Nguyên đán 2019
gia đình mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Chiu ở thôn Yên Du, xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang)
Thấm nhuần đạo lý và truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở ở Vũ Quang đã triển khai sâu rộng trong cả hệ thống chính trị phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều chương trình, hoạt động phong phú và thiết thực để giúp đỡ người có công với cách mạng làm nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên tạo việc làm cho con em và thân nhân người có công. Hằng năm, huyện đều có kế hoạch cụ thể thực hiện công tác thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước phù hợp với điều kiện của địa phương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực thể hiện sự tri ân đối với các thương bệnh binh, gia đình chính sách. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, mà còn giúp các thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công thấy ấm lòng hơn, nhất là vào các ngày lễ, tết, những dịp kỷ niệm lớn của đất nước, của dân tộc.
Bên cạnh đó, Vũ Quang cũng đã xác định công tác “Đền ơn đáp nghĩa” là việc làm thường xuyên, liên tục nên thường xuyên quan tâm thực hiện công tác quản lý đối tượng, theo dõi cập nhật và chi trả đảm bảo đúng, đủ chế độ quy định về trợ cấp hàng tháng cũng như trợ cấp một lần; công tác tiếp nhận, xử lý, xét duyệt hồ sơ giải quyết các loại chế độ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để hồ sơ tồn đọng quá hạn. Đồng thời, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các đối tượng người có công tiêu biểu, người có công có hoàn cảnh khó khăn nhân các dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7), Tết nguyên đán hoặc khi gia đình đối tượng chính sách ốm đau, gặp rủi ro... Tính riêng trong năm 2018, huyện đã thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà và chuyển tặng 6.087 suất quà cho đối tượng người có công và thân nhân với số tiền trên 1,1 tỷ đồng; riêng dịp Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã tặng 2.601 suất quà với tổng số tiền 512,35 triệu đồng.
Lãnh đạo huyện Vũ Quang thăm và tặng quà gia đình người có công dịp Tết Kỷ Hợi 2019
Tiếp đến, phong trào xây dựng xã, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công, phấn đấu bảo đảm 100% thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương nơi cư trú đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cộng đồng. Tính trung bình mỗi năm, toàn huyện đóng góp trên 100 triệu đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó dành một phần để hỗ trợ thêm kinh phí xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho người có công cũng như hỗ trợ các thương, bệnh binh bị suy giảm khả năng lao động; xây dựng, tu bổ các nghĩa trang và công trình ghi công các anh hùng liệt sỹ tại các xã, thị trấn. Từ năm 2004 đến nay, nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở huyện và các xã thường xuyên được nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí trên 5,2 tỷ đồng (toàn huyện hiện có 11/12 xã, thị trấn có nhà bia tưởng niệm liệt sỹ). Trong năm 2018 và đầu năm 2019, các tổ chức, đơn vị hỗ trợ kinh phí xây mới và sửa chữa 19 nhà ở người có công với số tiền 765 triệu đồng.
Có thể khẳng định, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, song các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội từ huyện đến xã và người dân ở Vũ Quang đã có nhiều việc làm thể hiện sự tri ân dành cho các thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công. Những việc làm đó là nguồn động viên kịp thời phần nào xoa dịu đi những đau thương mất mát do chiến tranh, giúp họ ổn định cuộc sống, tiếp tục phấn đấu, lao động sản xuất xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Xúc động nghĩa cử của Công ty Hoa quả Phương Toản với gia đình thương binh ở Thanh Hóa
Đề xuất xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo đa chiều năm 2025
77,5% trẻ em từng chứng kiến bạo lực học đường
Hòa Bình: Nhiều hộ thoát nghèo bền vững nhờ các mô hình hỗ trợ sinh kế thiết thực
Chương trình “Kết nối những vòng tay” với chủ đề “Tết cho trẻ em nghèo” trao tặng hơn 400 triệu đồng cho đồng bào và trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại Yên Bái
Nam Trực: Lan toả sâu rộng phong trào Đền ơn đáp nghĩa
Hòa Bình: Thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai nhiệm vụ Quý IV năm 2024
Hỗ trợ trẻ em chịu ảnh hưởng bão Yagi tỉnh Lào Cai