Vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm góp phần tích cực giải quyết việc làm ở Bến Tre
(LĐXH) Theo kết quả kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm năm 2018 của tỉnh Bến Tre, đại đa số các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại hộ gia đình và số lao động nhàn rỗi của địa phương.
Năm 2018, tổng nguồn vốn vay Quỹ quốc gia về việc làm ở tỉnh Bến Tre là gần 77,44 tỷ đồng, dư nợ thực hiện là 77,32 tỷ đồng, đạt 99,84% kế hoạch, nợ quá hạn 407 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,52% dư nợ. Vốn thu hồi năm 2018 là 37,8 tỷ đồng, đã thực hiện cho vay hết nguồn vốn này với 1.622 dự án, giải quyết việc làm cho 1.950 lao động. Mức cho vay bình quân khoảng 20 triệu đồng/chỗ làm việc mới.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã phối hợp Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh và các huyện, thành phố đã thực hiện cho vay 390 dự án, số tiền vay 9,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 390 lao động, chủ yếu dự án vay là hộ gia đình. Ngoài ra, còn thực hiện cho vay đối với 74 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng với số tiền 3,64 tỷ đồng.
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện để kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm tại 18 xã, phường, thị trấn của 08 huyện và thành phố Bến Tre.
Kết quả kiểm tra, giám sát công tác cho vay vốn Quỹ quốc gia việc làm cho thấy công tác vay vốn, giải quyết việc làm ở địa phương được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện, thành phố đến xã, phường, thị trấn và xem đây là nhiệm vụ chiến lược quan trọng để phát triển kinh tế ở địa phương; Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể của các xã, phường, thị trấn; ấp, khu phố, tổ nhân dân tự quản về công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương nên đã thúc đẩy kinh tế phát triển, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là lao động nhàn rỗi, góp phần thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội. Các hộ vay từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đều chí thú làm ăn, chịu khó học hỏi kinh nghiệm để kinh doanh hoặc phát triển sản xuất và các hộ vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích dự án vay ban đầu.
Nhìn chung, nguồn vốn cho vay mang lại hiệu quả cao với các mô hình hiệu quả như: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nuôi tôm, nuôi sò, sản xuất cây giồng hoa kiểng; chăn nuôi bò; trồng bưởi da xanh… Qua kiểm tra thực tế 36 dự án (36 hộ) vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền vay trên 1,04 tỷ đồng đã giải quyết việc làm cho 104 lao động, với các loại hình vay như: nuôi bò sinh sản, sản xuất cây giống hoa kiểng, nuôi sò, may mặc, trồng bưởi da xanh… Kết quả các hộ vay vốn đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao về kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại hộ gia đình và số lao động nhàn rỗi của địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động và khả năng thu hồi nợ của các hộ vay cao.
Tuy nhiên, công tác cho vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm tại địa phương còn gặp một số khó khăn như: Hiện nay nhiều hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm nhưng chưa được tiếp cận nguồn vốn vay do thiếu vốn. Năm 2018 nguồn vốn Trung ương phân bổ cho địa phương ít, chỉ 08 tỷ đồng không đủ để phân bổ theo nhu cầu vay vốn của người dân ở địa phương. Mức vay theo quy định hiện nay là 50 triệu đồng/chỗ làm việc nhưng nguồn vốn cho vay chủ yếu là nguồn vốn thu hồi nên không đủ đáp ứng cho vay theo mức quy định, chỉ có thể cho vay với mức bình quân khoảng 20 triệu đồng/chỗ làm việc. Một số dự án vay còn nợ quá hạn đã rời khởi địa phương vẫn chưa thu hồi được vốn. Nguyên nhân là các hộ vay không có khả năng trả nợ do người lao động bị bệnh tật hoặc đã rời khỏi địa phương.
Thảo Lan
TAG: