Vốn vay Giải quyết việc làm Hà Nội: “Cú huých” giúp người dân phát triển kinh tế gia đình
(LĐXH) - Trong những năm qua, nhờ đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, nhiều hộ gia đình nhất là ở vùng nông thôn thủ đô Hà Nội đã chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm được việc làm mới, ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống…
Huyện Mỹ Đức là một trong những điểm sáng của chương trình với nhiều hộ gia đình từ “đoàn bẩy” của đồng vốn đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người có thu nhập ổn định. Điển hình là gia đình anh Lê Ngọc Luyến, Bí thư Chi đoàn thôn Lai Tạo được đánh giá là hộ sử dụng vốn vay Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đạt hiệu quả. Chỉ từ vốn vay 50 triệu đồng, anh đầu tư sản xuất trồng 3 sào bưởi Diễn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Sản phẩm tiêu thụ mạnh, có nguồn thu nhập, anh mạnh dạn đầu tư thêm vào xưởng hàn sắt khung nhôm kính. Không chỉ trả hết vốn và lãi cho ngân hàng mà kinh tế gia đình anh khấm khá lên nhiều so với trước.
Cũng qua chương trình GQVL, gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt, Đội 8, thôn Thượng, Phùng Xá (Mỹ Đức) được giải ngân 300 triệu đồng (năm 2015) đầu tư vào mua máy dệt công nghiệp phục vụ cho việc sản xuất khăn mặt, tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên trong xã với mức lương từ 3 đến 8 triệu đồng/tháng. Tại công ty cổ phần may Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức), nhờ nguồn vốn GQVL, 400 lao động thường xuyên có việc làm ổn định với mức lương 5 triệu đồng/tháng.
Tại xã Phùng Xá, có hơn 100 hộ gia đình vay vốn phát triển kinh tế từ chương trình cho vay giải quyết việc làm với tổng cộng hơn 4 tỷ đồng, GQVL cho hàng nghìn lao động, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống.
Có thể nói, từ nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, Hà Nội đã hỗ trợ cho các gia đình, cơ sở kinh doanh phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lượt người… Cơ cấu lao động được chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng lao động thuộc các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, thương mại, giảm tỷ trọng lao động trong nông nghiệp.
NHB
TAG: