An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Vốn chính sách - cầu nối giúp người dân Cao Bằng thoát nghèo
04:28 PM 02/03/2021
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng tập trung triển khai huy động vốn, giải ngân các chương trình tín dụng theo đúng kế hoạch, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Để đồng vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt hiệu quả, các xã, thị trấn chủ động phân phối nguồn vốn đến xóm, tổ dân phố và thực hiện kế hoạch, bảo đảm không để tồn đọng, lãng phí vốn. Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tham mưu cho UBND cấp xã, thị trấn thường xuyên rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời bổ sung vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo, diện cận nghèo của địa phương để có căn cứ xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chí quy định.
Rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV); kiện toàn lại tổ TK&VV, thực hiện tốt khâu bình xét cho vay bảo đảm công khai, minh bạch; đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đối chiếu dư nợ, xử lý nợ quá hạn, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo trưởng xóm, tổ dân phố tham gia giám sát ngay từ khâu bình xét cho vay tại các tổ TK&VV nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.
Nhiều hộ dân được vay vốn phát triển nuôi bò vươn lên thoát nghèo.
Công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị xã hội được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện thực hiện tốt, tỷ lệ dư nợ thông qua các tổ chức hội, đoàn thể chiếm 99,4% tổng dư nợ. Các hội, đoàn thể nhận ủy thác phối hợp với NHCSXH giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình cho vay, quản lý, đôn đốc thu hồi nợ gốc, nợ lãi, đặc biệt đôn đốc, thu hồi nợ quá hạn tồn đọng, lãi tồn lâu ngày.
Thông qua các tổ chức ủy thác đã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn, giúp người vay sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo. Đến ngày 31/12/2020, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện ủy thác với dư nợ 400 tỷ 362 triệu đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ của NHCSXH, với 330 tổ TK&VV cho 8.194 hộ vay.
Tại các điểm giao dịch 21/21 xã, thị trấn thực hiện công khai dư nợ của hộ vay, có đầy đủ nội quy giao dịch, biển hiệu điểm giao dịch, hòm thư góp ý. Hoạt động của tổ giao dịch tại điểm giao dịch đã giải quyết được 99% lượng giao dịch của khách hàng với NHCSXH. Phòng Giao dịch NHCSXH còn phối hợp với địa phương tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để bà con áp dụng, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Đến ngày 31/12/2020, tổng nguồn vốn huy động của Phòng Giao dịch NHCSXH đạt 401 tỷ 083 triệu đồng, tăng 20 tỷ 162 triệu đồng so với đầu năm. Doanh số cho vay 90 tỷ 174 triệu đồng với 2.298 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn; nâng tổng dư nợ cho vay 15 chương trình tín dụng đạt 400 tỷ 590 triệu đồng, tăng 20 tỷ 162 triệu đồng so với ngày 31/12/2019 với 8.206 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Mức vay bình quân 49 triệu đồng/hộ (cao hơn mức vay bình quân của tỉnh 2 triệu đồng, dư nợ bình quân 1.335 triệu đồng/tổ, dư nợ bình quân xã, thị trấn 19 tỷ 075 triệu đồng).
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hơn 8.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất; giải quyết việc làm cho 195 lao động; tạo điều kiện cho 54 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trang trải chi phí học tập; giúp xây dựng 1.458 công trình nước sạch, vệ sinh hợp chuẩn và xây dựng 334 căn nhà ở cho hộ nghèo.
Nguồn vốn tín dụng đã giúp  các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, như gia đình anh Nông Văn Việt, xóm Nà Giàng, xã Ngọc Đào. Năm 2014, anh vay 30 triệu đồng mua 1 con bò vỗ béo, 2 con lợn nái. Qua mấy năm chăn nuôi, lúc nhiều nhất gia đình nuôi 7 con lợn nái, trên 80 con lợn thịt được xuất ra thị trường, trừ chi phí hằng năm gia đình lãi 150 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh tiếp tục nuôi 1 con lợn nái, 32 con lợn con, 3 con bò. Nhờ phát triển chăn nuôi, cuộc sống gia đình anh đã được cải thiện.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Hà Quảng Đàm Hồng Tân cho biết: Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đã giúp nhiều hộ dân đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Đó thực sự là đòn bẩy giúp dân giảm nghèo bền vững, làm giàu chính đáng và giải quyết việc làm cho người dân địa phương./.

Ngọc Dung
TAG:
Tin khác
38 cá nhân Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh thiếu niên 2 được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thành phố vinh danh
Bình Dương: Tăng cường kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội
Ninh Thuận: Đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
 Quảng Ngãi: Tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm
Ninh Thuận phấn đấu để người có công có mức sống ổn định so với cộng đồng
Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững ở Vĩnh Châu
Phát triển các hoạt động nhân văn trên cơ sở tiếp nối những truyền thống hào hùng
Hỗ trợ người bán dâm có cơ hội tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội…
Hiệu quả từ những chương trình, dự án giảm nghèo ở vùng biên giới biển Sóc Trăng