Vĩnh Phúc: Tích cực phòng chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng
(LĐXH)-Để loại bỏ tệ nạn mại dâm ra khỏi đời sống xã hội, các cấp uỷ Đảng và chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành liên quan đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; đồng thời tích cực triển khai nhiều mô hình trợ giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng.
Hiện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 2.330 cơ sở kinh doanh “nhạy cảm”, dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm, trong đó: 63 khách sạn, 270 nhà nghỉ, hơn 1.400 nhà trọ, 315 vũ trường và cơ sở kinh doanh karaoke, 21 cơ sở massage, hơn 230 cơ sở cắt tóc, gội đầu…
Thời gian qua, công tác phòng chống tệ nạn mại dâm tiếp tục được các cấp, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo nên tệ nạn này cơ bản được kiềm chế, không để xảy ra điểm nóng, gây bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Hằng năm, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo các ngành, đoàn thể thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm.
Hằng năm, Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với công tác giáo dục, vận động, thuyết phục nhằm phòng ngừa, hạn chế người tham gia hoạt động mại dâm, mại dâm trá hình, nhất là người chưa thành niên. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã in, cấp phát 67.000 bản tin, tờ rơi, tờ gấp, trên 18.630 sách mỏng về phòng, chống tệ nạn xã hội; tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền lưu động, 4.823 lượt tuyên truyền trên hệ thống truyền, pano, áp phích tuyên truyền về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu dân cư; tổ chức 2 lớp tuyên truyền cho gần 200 chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ về quy định hoạt động và tuyên truyền cho hàng trăm lượt người bán dâm ngoài cộng đồng tham gia nhóm tự lực.
Lực lượng công an tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dễ nảy sinh tệ nạn mại dâm
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng, chống mại dâm được các cấp, ngành chức năng, các địa phương chú trọng. Nội dung tuyên truyền về phòng, chống mại dâm được gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “Gia đình văn hóa” và lồng ghép với chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, hỗ trợ vay vốn, chương trình giảm nghèo... nhằm cung cấp cho phụ nữ trong độ tuổi lao động cơ hội lựa chọn công việc phù hợp. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH) phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền phòng, chống mại dâm cho chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện; tập huấn nâng cao năng lực cho Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp (Đội 178).Song song với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng đã chủ động lồng ghép và tổ chức, thực hiện nhiệm vụ phòng chống mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp giảm hại cho người bán dâm thông qua việc tìm kiếm việc làm cho phụ nữ có nhu cầu từ các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, hỗ trợ vay vốn, chương trình giảm nghèo; xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm như: Mô hình “Tổ liên gia tự quản”; "Giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng", “Phụ nữ không có chồng con mắc tệ nạn xã hội, nghiện ma túy”... Qua đó, cung cấp, hỗ trợ người mại dâm có thêm cơ hội lựa chọn công việc phù hợp để làm lại cuộc đời. Các địa phương cũng đẩy mạnh công tác xây dựng và nhân rộng các tổ liên gia tự quản, mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng…
Công tác đấu tranh, xử lý vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến mại dâm được lực lượng công an phối hợp với các ngành, địa phương triển khai quyết liệt. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 2.330 cơ sở kinh doanh dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm. Để đấu tranh, phòng ngừa tệ nạn này, các cấp ngành đã phối hợp thanh tra, kiểm tra trên 3.460 lượt cơ sở. Trong 5 năm qua (2015-2020), lực lượng Công an cũng đã phát hiện, xử lý 119 vụ với 401 đối tượng, đã khởi tố 71 vụ, với 78 bị can về tội chứa mại dâm và môi giới mại dâm; xử lý hành chính 48 vụ với 323 đối tượng.
Đội 178 các cấp được kiện toàn, thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm hoạt động mại dâm. Lực lượng công an tăng cường quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trung bình mỗi năm, các cấp, ngành chức năng kiểm tra gần 3.500 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm; trong đó, Đội 178 của tỉnh kiểm tra được gần 370 lượt cơ sở.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt nhiều kết quả khả quan, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội trong tỉnh.
Tuy nhiên, tệ nạn mại dâm trên địa bàn còn diễn biến phức tạp; công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn này còn nhiều khó khăn, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, ngành chức năng và toàn xã hội. Tại một số địa bàn, loại hình kinh doanh dịch vụ vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp; việc xử lý các hành vi vi phạm có lúc, có nơi chưa thực sự quyết liệt. Công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động mại dâm và các cơ sở lợi dụng kinh doanh dịch vụ để hoạt động mại dâm chưa chặt chẽ; sự phối hợp trong phòng ngừa, đấu tranh giữa các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương có lúc chưa đồng bộ. Một số địa phương chưa đánh giá đúng tính chất, mức độ nguy hiểm của tệ nạn mại dâm nên chưa tập trung chỉ đạo, huy động các ngành, các lực lượng tham gia; công tác quản lý, giúp đỡ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng tại một số địa phương chưa thực sự hiệu quả.
Để loại bỏ tệ nạn mại dâm ra khỏi đời sống xã hội, các cấp uỷ Đảng và chính quyền nâng cao trách nhiệm hơn nữa đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; phải xác định đây không phải là nhiệm vụ của riêng ngành Công an. Từ đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đưa công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm vào chương trình, kế hoạch phát triển an sinh xã hội của địa phương và chỉ đạo, kiểm tra thực hiện tốt.
Công tác tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức, lồng ghép giữa tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Xây dựng môi trường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, gắn công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm với phong trào “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Các cấp chính quyền cần tạo điều kiện để người bán dâm có việc làm ổn định, hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ dạy nghề, kỹ năng sống... Các ngành, đoàn thể cần phối hợp, có biện pháp quản lý, giáo dục đối với người bán dâm, không để họ tái phạm./.
Mỹ Linh
TAG: