Phòng, chống TNXH
Trang chủ / Xã hội / Phòng, chống TNXH
Vĩnh Long: Tích cực vận động, hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện
11:55 PM 29/07/2021
Trước đây, Vĩnh Long chưa thực hiện được việc vận động người nghiện ma túy tham gia cai nghiện tự nguyện. Tuy nhiên, hai năm gần đây, công tác này đã đạt kết quả khả quan.
Tỉnh Vĩnh Long có đến 106/107 xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy . Tính đến 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 2.746 người sử dụng, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh (tăng so năm 2019 là 552 người ).
Giai đoạn trước đây công tác cai nghiện ma túy chủ yếu được thực hiện theo hình thức đưa cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện công lập, công tác cai nghiện ma túy tự nguyện cũng được triển khai thực hiện, tuy nhiên hiệu quả chưa cao, nhất là hình thức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa được quan tâm triệt để; chính sách dành cho công tác cai nghiện tự nguyện chưa được cụ thể hóa đầy đủ, lực lượng làm công tác cai nghiện ma túy tại cấp xã chưa được củng cố.
Giao lưu thể thao tại Cơ sở cai nghiện ma túy Vĩnh Long. Ảnh: NT
Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho công tác cai nghiện tự nguyện chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của người nghiện và gia đình người nghiện chưa cao trong thực hiện cai nghiện ma túy.
Năm 2019, HDND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết 181/2019/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ, mức đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Năm 2020, Sở LĐTB&XH tiếp tục trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 16/2020/QĐ-UBND, ngày 12/5/2020 về quy định số lượng, mức hỗ trợ cán bộ, xã, phường, thị trấn theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Đồng thời tham mưu chỉ đạo các Sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện.
Đến nay, tỉnh đã thành lập và kiện toàn hoạt động được 107/107 Tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã. Trong thời gian qua, Tổ công tác cai nghiện ma túy cấp xã phối hợp với các ngành, đoàn thể địa phương tích cực trong công tác quản lý, tư vấn, giáo dục, hỗ trợ người cai nghiện ma túy tham gia lựa chọn các hình thức cai nghiện phù hợp, kịp thời triển khai các chế độ chính sách đến người nghiện tham gia cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng....
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 940 người nghiện có hồ sơ quản lý; từ 2019 đến nay có 352 người đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; có 335 người được cai nghiện; số người hoàn thành cai nghiện được cấp giấy chứng nhận 191 người (chiếm 54,26%); số người sau cai nghiện hòa nhập tốt không tái nghiện: 45 người (chiếm 13,43%); số người nghiện ma túy được vận động tham gia cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy là 170 người (có 142 người trong tỉnh); số người đã hoàn thành thời gian cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở Cai nghiện, sau cai tái hòa nhập tốt, không tái nghiện: 13 người (chiếm 9,15%).
Các địa phương đều được bố trí, sử dụng từ 30 triệu đến 95 triệu/năm cho việc thực hiện công tác cai nghiện ma túy của địa phương trên cơ sở thực tế vận động người nghiện tham gia các hình thức cai nghiện ma túy và số lượng cán bộ được phân công thực hiện công tác quản lý, theo dõi, hỗ trợ người nghiện trên địa bàn.
Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long, 100% học viên cai nghiện tự nguyện vào Cơ sở được tư vấn, cắt cơn giải độc theo đúng phác đồ điều trị nghiện ATK của Bộ Y tế, theo dõi, chăm sóc sức khỏe từ 10 đến 20 ngày; ngoài ra, Cơ sở kết hợp thuốc Đông y (Bông Sen) trong việc hỗ trợ điều trị cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy khi có nhu cầu. Công tác tư vấn đầu vào, tư vấn điều trị, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm luôn được nâng cao, đổi mới về hình thức phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng nhằm tạo điều kiện để các học viên thấy được những tác hại, nguy cơ từ ma túy, đây là con đường lây nhiễm HIV cao nhất trong cộng đồng xã hội.
Công tác trị liệu được tổ chức với nhiều hoạt động đa dạng, tạo sự lôi cuốn cho học viên khi tham gia, như: phối hợp với các cơ quan, đơn vị (Tỉnh đoàn, huyện đoàn Tam Bình, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh,...) thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tập Gym, đá bóng mini mỗi ngày và các dịp lễ, Tết; tổ chức triển khai các chuyên đề về sức khỏe, gia đình, pháp luật,... bằng hình thức tuyên truyền trực tiếp trên lớp, lồng ghép truyền thông trên loa phát thanh nội bộ. Ngoài ra, Cơ sở phối hợp Công ty TNHH MTV Đào tạo & Truyền thông Cuộc Sống Mới mở các khóa đào tạo đặc huấn Kỹ năng sống cho 20 học viên tham dự. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng và hành động của học viên giúp họ có thêm kiến thức và kỹ năng để hòa nhập với cộng đồng.
Công tác đào tạo nghề và hướng nghiệp cho học viên cai nghiện tự nguyện luôn được Cơ sở quan tâm chú trọng nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút học viên cai tự nguyện; vừa chữa bệnh, học tập vừa học nghề và tham gia lao động trị liệu giúp họ có ý thức kỷ luật lao động và chấp hành tốt nội quy, quy chế. Kết quả, có 59 học viên tham gia học nghề, hướng nghiệp lao động trị liệu, cụ thể: Nghề kỹ thuật pha chế nước uống: 13 học viên; nghề hớt tóc nam: 06 học viên; hướng nghiệp lao động trị liệu (nghề đan ghế bằng dây nhựa): 40 học viên; thực hiện tư vấn giới thiệu việc làm sau cai nghiện tại Nhật: 06 học viên.
Trong kỳ ngân sách địa phương chi hỗ trợ (70% tiền ăn và tư trang) cho người nghiện ma túy tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện. Riêng năm 2020, số lượt học viên cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở vượt chỉ tiêu đề ra, đạt 131,25% kế hoạch (chỉ tiêu 80 lượt, thực hiện 105 lượt); tăng 92 lượt so với năm 2019.
Việc tăng cai nghiện tự nguyện, giảm cai nghiện bắt buộc đã mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước, giảm chi phí và thời gian cho các đơn vị phối hợp trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy cai nghiện bắt buộc vào Cơ sở; hiệu quả về xã hội là xây dựng được “niềm tin” cho người tham gia cai nghiện ma túy, gia đình của họ và cộng đồng, xã hội; đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác cai nghiện ma túy, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về lộ trình giảm dần cai nghiện bắt buộc, tăng cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập.
Mặc dù công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện tự nguyện tái hòa nhập cộng đồng thời gian qua đã được các cấp, các ngành phối hợp triển khai thực hiện bước đầu có chuyển biến tốt so với những năm trước đây, nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Tổ Công tác cai nghiện ma túy cấp xã tuy đã được củng cố kiện toàn cả về bộ máy lẫn về hoạt động, nhưng chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao, do họ là những người phụ trách các lĩnh vực công tác khác nhau, không có chuyên môn sâu về công tác cai nghiện ma túy. Cơ sở, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân sự phục vụ cho công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng không đảm bảo, chưa được đầu tư...
Chính sách hỗ trợ cho người sau cai nghiện nhằm tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng tốt còn hạn chế, chưa được quy định riêng biệt, phụ thuộc vào nguồn ngân sách phân cấp cho cấp xã. Công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người nghiện hiệu quả chưa cao…
Theo thống kê vẫn có hơn 50% người nghiện không hoàn thành quá trình cai nghiện và có đến 87,85% người sau cai nghiện tái nghiện. Điều này đòi hỏi phải tăng cường nâng cao hơn nữa cả về nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, lực lượng đảng viên, công chức, viên chức người lao động và người dân về công tác cai nghiện ma túy tự nguyện, đặc biệt là cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, quản lý hỗ trợ hòa nhập sau cai nghiện./.

Hoàng Anh
TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái