Việc làm trong cách mạng 4.0 sẽ diễn ra như thế nào?
(LĐXH)- Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) cảnh báo cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu người lao động tại các nước phát triển trong những năm tới. Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo OECD, cứ 7 người lao động tại 32 các nước phát triển mà OECD tiến hành nghiên cứu thì có 1 người cần được hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới do những công việc hiện nay của họ sẽ được thay thế bằng robot hoặc hệ thống tự động hóa.
Ngoài ra, mức độ nguy cơ mất việc làm ở các nước rất khác nhau: Ở Slovakia có tới 33% số việc làm liên quan đến hoạt động tự động hóa thì con số này ở Na Uy chỉ chiếm 6%.
Trên thực tế, các nước nói tiếng Anh, các nước Bắc Âu và Hà Lan là những nước có việc làm liên quan đến tự động hóa ít hơn so với các nước ở Đông Âu, Nam Âu, Đức, Chile và Nhật Bản. Tại Anh, cứ 10 người thì có 1 người đối diện với nguy cơ cao mất việc và khoảng 25% lực lượng lao động sẽ buộc phải thay đổi việc làm.
Tự động hóa được cho là sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành công nghiệp sản xuất tại các nhà máy, ngành nông nghiệp và một số trong lĩnh vực dịch vụ như đưa thư, vận chuyển bưu phẩm, giao thông đường bộ và ngành dịch vụ ăn uống.
Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp, chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động; năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN…
Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề sẽ biến mất nhưng lại có những công việc mới ra đời. Trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Theo bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), cách mạng 4.0 có thể tác động tới sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và tạo đà thuận lợi cho thị trường lao động phát triển, nhất là khả năng tạo việc làm của nền kinh tế. Cuộc cách mạng 4.0 tập trung chủ yếu số hóa, công nghệ robot và tự động hóa – xu hướng máy móc thay dần sức lao động của con người, dẫn tới sự thay đổi cơ cấu lao động có việc làm trong 3 ngành kinh tế chính của nước ta.
Đến 2025, lực lượng lao động nước ta ước đạt 62.638 nghìn lao động, trong khi dự báo cầu lao động năm 2025 khoảng 61,141 triệu việc làm. Các ngành tập trung nhiều lao động gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo (8,606 triệu người), hoạt động kinh doanh bất động sản (6,982 triệu người); bán buôn bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô xe máy và xe có động cơ khác (5,622 triệu người).
Thế hệ Y người Việt sẵn sàng học hỏi để thích nghi
Theo khảo sát của Navigos Group, thế hệ Y người Việt - những người sinh từ khoảng năm 1980 đến 1996, khá lạc quan về cách mạng công nghiệp 4.0, có tới 77% ứng viên cho rằng cuộc cách mạng này sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới để họ phát triển sự nghiệp.
Báo cáo “Thế hệ Y người Việt - Tham vọng sự nghiệp và khát vọng khởi nghiệp” mới được Navigos Group công bố chỉ ra rằng, trái ngược lại với luồng ý kiến lo ngại mặt trái của CMCN 4.0 có thể gây ra sự thiếu hụt việc làm do máy móc thay thế sức lao động của con người, thế hệ Y người Việt lại có một cái nhìn khác đầy lạc quan.
Cụ thể, theo khảo sát, có tới 77% ứng viên cho rằng CMCN 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội mới để họ phát triển sự nghiệp của mình; 93% ứng viên chia sẻ nếu CMCN 4.0 ảnh hưởng đến công việc của họ, họ sẽ tiếp tục học hỏi để thích nghi với những thay đổi mới thay vì lựa chọn chuyển sang công việc khác (chiếm 1%).
Máy móc sẽ thay thế con người trong tương lai (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, đại diện Navigos Group cũng cho biết, một thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt với đội ngũ lao động trẻ là sự gắn bó với tổ chức không cao. Điều này dẫn đến tình trạng ứng viên “nhảy việc” nhiều và nhanh, còn nhà tuyển dụng thì rất khó khăn và tốn kém hơn trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát, 69% ứng viên thế hệ Y tham gia khảo sát trả lời rằng họ đang cân nhắc chuyển việc. 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty. “Điều này có thể thấy mức độ gắn bó thấp của thế hệ Y với tổ chức”, đại diện Navigos Group chia sẻ.
Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search – đơn vị thành viên của Navigos Group đã chia sẻ những đề xuất hữu ích trong việc quản trị nhân sự đối với các doanh nghiệp có nhân viên thuộc thế hệ Y. Theo bà Nguyễn Phương Mai, khi quản lý nhân sự thế hệ Y, các doanh nghiệp cần luôn lưu ý về cách “giao tiếp”, làm thế nào để nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe và thấu hiểu, cùng với đó doanh nghiệp cũng cần đảm bảo rằng nhân viên nắm rõ được doanh nghiệp kỳ vọng những gì ở nhân viên.
“Đồng thời, doanh nghiệp đừng bao giờ để nhân viên “bị” dậm chân tại chỗ. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần lên lộ trình thăng tiến cụ thể cho từng vị trí, đồng thời mở ra cho nhân viên cơ hội học hỏi và trau dồi kỹ năng không ngừng trong công việc hàng ngày của họ. Trên tất cả, khi doanh nghiệp có thái độ đúng đắn trong việc đầu tư đào tạo và phát triển nguồn nhân lực thì chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ không sợ bị tụt hậu trên thị trường lao động”, bà Nguyễn Phương Mai đề xuất./.
Hồng Minh
TAG: