Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội đang quản lý hơn 400 đối tượng là người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố, có những thời điểm số lượng học viên dao động trên dưới 1.000. Việc chăm sóc, điều trị và phục vụ hàng ngày để lại một khối lượng rác thải tương đối lớn, trên dưới 2.000kg rác thải/ngày.
Vấn đề xử lý rác thải tại chỗ từ nhu cầu sử dụng của các học viên là một công việc hết sức khó khăn, bởi điều kiện cơ sở vật chất, diện tích mặt bằng của cơ sở còn hạn chế, địa bàn xa khu xử lý rác thải của thành phố. Với khối lượng rác thải như vậy, nếu không được xử lý kịp thời sẽ gây ra mùi hôi thối, ảnh hưởng đến không khí, môi trường sống của cán bộ và học viên trong cơ sở. Theo đại diện lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội, thực hiện vấn đề xử lý rác thải tại chỗ trong cơ sở sẽ tiết kiệm được một phần kinh phí từ 15 - 30 triệu đồng/năm; tiết kiệm được thời gian lao động cho cán bộ và học viên trong cơ sở khi phải thu gom rác thải, phân loại rác để xử lý.
Trước đây, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội, chất đốt phục vụ trong sinh hoạt chủ yếu là than. Tuy nhiên, nhận thức được dùng than để đun nấu có thể gây hại đến sức khỏe, ô nhiễm không khí nên trong những năm gần đây, cơ sở đã loại bỏ chất đốt này, thay vào đó sử dụng gas để đun nấu cho học viên. Đối với rác thải, hạn chế sử dụng túi nilon, các sản phẩm nhựa, thay thế bằng sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần, thân thiện với môi trường. Với những sản phẩm giày, dép, quần áo bỏ đi, sách vở cũ, chai nhựa, lon nước ngọt, các vật dụng bằng kim loại… có thể thu gom phế liệu hoặc tái sử dụng bằng cách gia công, sửa chữa thành sản phẩm tiện ích khác. Ngoài ra, để tận dụng nguồn nguyên liệu thừa, bỏ đi như rau xanh, các cây lương thực, vỏ trái cây, thức ăn thừa… luôn được dùng để ủ tạo thành phân hữu cơ bằng các chế phẩm EM. Với giải pháp này, có thể tạo ra nguồn phân bón dinh dưỡng cho cây trồng. Cơ sở cũng tận dụng rác rau xanh để làm thức ăn nuôi cá, gia súc, gia cầm. Với các loại rác như pin, ắc quy, bóng đèn, thủy tinh vỡ, linh kiện điện tử bị hỏng, cành cây, lá cây… sẽ được cho vào lò đốt rác xử lý hoặc mang đi chôn lấp.
Thực hiện chương trình về bảo vệ môi trường, hưởng ứng và thực hiện Văn bản số 3549/UBND-ĐT ngày 19/8/2019 của Thành phố Hà Nội về việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa đối với các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố Hà Nội, và văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, đơn vị đã phát động các phong trào như “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” đến toàn thể cán bộ, học viên trong đơn vị. Song song với hoạt động tuyên truyền, đơn vị tích cực thực hiện các phương án thay thế các sản phẩm nhựa, đặc biệt là đối với loại nhựa sử dụng một lần.
Đặc biệt, Ban lãnh đạo thường xuyên khuyến khích các phòng ban, tổ, đội, tổ chức đoàn thể... chung tay cải tạo cảnh quan môi trường xung quanh nơi ở và nơi làm việc. Các khu vực nhà ở, sinh hoạt, học tập thường xuyên được quét dọn, khơi thông cống rãnh, phun thuốc diệt côn trùng, thu gom và xử lý rác thải đúng quy định. Các xưởng sản xuất, khu chăn nuôi, trồng trọt luôn được chú trọng đảm bảo vệ sinh an toàn lao động. Cơ sở cũng thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống cơ sở vật chất, sơn sửa lại các tường nhà đảm bảo khang trang, sạch sẽ. Các khu vực đất trống được tích cực trồng các loại hoa, cây xanh và cây ăn quả.
Để có được một môi trường sinh thái xanh – sạch – đẹp trong toàn đơn vị, tất cả đều nhờ những chủ trương, chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo đơn vị và sự đoàn kết, chung tay của cán bộ, học viên trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu nói chung, ở Việt Nam nói riêng. Những hoạt động có ý nghĩa thiết thực này không chỉ góp phần cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường mà còn tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc tiếp tục cùng chung tay xây dựng một môi trường xanh - sạch - đẹp./.
Trần Huyền