Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
(LĐXH)- Cách đây 77 năm, vào chiều ngày 27/7/1947, “Ngày Thương binh toàn quốc” được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại gốc đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Tại sự kiện này, với sự tham gia của 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương đã được nghe công bố Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ ở nước ta.
Đây cũng chính là bức thư đầu tiên Người gửi cho anh em thương bệnh binh. Trong thư Bác viết: “Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”; “…Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy…”.
Sở dĩ Bác Hồ chọn nơi đây để tuyên bố sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sỹ bởi huyện Đại Từ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đồng thời là nơi chứa đựng những tình cảm sâu nặng của con người với con người. Khi đất nước có chiến tranh, nhân dân địa phương đã dấy lên phong trào ủng hộ thương binh rất rầm rộ. Có nhiều tấm gương sáng, điển hình như bà Nguyễn Thị Đích (thường gọi là bà Bá Huy).Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7
Cuối năm 1947, Phòng Thương binh - Cục Chính trị, Bộ quốc phòng về đóng trụ sở ở nhà bà, quân số lên đến gần 100 người, chỗ ăn, chỗ ở, chỗ chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Nhận được sự khuyến khích, động viên rất lớn của ông Lê Thành Ân, lúc đó là quyền Trưởng Phòng Thương binh - Bộ quốc phòng, bà Bá Huy đã giúp thương binh 3 mẫu ruộng, 3 tấn thóc, 1 con trâu, vận động nhân dân trong xóm, trong làng làm 10 gian nhà tre và các nguyên vật liệu khác để lập Trại An dưỡng đường, gọi là Trại An dưỡng đường số I để nuôi dưỡng, chăm sóc thương binh.
Noi gương bà Bá Huy, những gia đình có nhà rộng rãi đều nhường chỗ để anh em thương binh có chỗ ăn, chỗ ở, có nơi làm nhà văn hóa để anh em vui chơi, giải trí. Những nhà có thương binh nặng tuy có khó khăn hơn nhưng ai cũng xem việc giúp thương binh là một cách góp phần mình cùng Chính phủ lo kháng chiến.
Cảm động trước những việc làm đầy tình nghĩa của bà Bá Huy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi, thư có đoạn: “Thưa bà! Anh em thương binh đã hy sinh xương máu, để giữ gìn Tổ quốc, bà đã hy sinh tiền của để giúp đỡ anh em thương binh. Như thế là bà đã giúp sức vào công việc gìn giữ Tổ quốc. Tôi thay mặt Chính phủ và anh em thương binh cảm ơn bà và khen ngợi bà. Tôi mong bà cùng toàn thể đồng bào vùng đó sẽ luôn luôn chăm nom giúp đỡ các thương binh”.
Để ghi nhớ công lao to lớn của Bác Hồ vĩ đại và các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, ngày 3/2/1997, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm, trưng bày truyền thống, khuôn viên di tích với tổng diện tích 3.000m2.
Cùng với đó là Bia kỷ niệm với nội dung được khắc trên Bia: "Nơi đây, ngày 27 tháng 7 năm 1947, 300 cán bộ, bộ đội và đại diện các tầng lớp nhân dân địa phương họp mặt nghe công bố bức thư của Bác Hồ, ghi nhận sự ra đời của Ngày thương binh, liệt sĩ". Công trình được hoàn thành đưa vào sử dụng trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7/1997 và được nâng cấp vào năm 2007, năm 2013. Năm 1997, Khu di tích được Bộ Văn hóa cấp Bằng công nhận là Khu di tích lịch sử quốc gia.
Đặc biệt năm 2007, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Đảng, Nhà nước đã cho quy tụ chân hương của các anh hùng liệt sỹ từ các nghĩa trang lớn trên khắp cả nước như: Bến Dược (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh), Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9… và rước chân hương về thờ tại Khu di tích.
Điều này đã phần nào đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên, cũng như du khách khắp mọi miền Tổ quốc, là được thường xuyên viếng thăm, bày tỏ niềm tự hào dân tộc và thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến những người con bất diệt của Tổ quốc đã ngã xuống vì nước, vì dân.
Có thể khẳng định, Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 là công trình văn hoá lịch sử có ý nghĩa to lớn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan và tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ, thưởng ngoạn cảnh quan một vùng đất địa linh, sơn thuỷ hữu tình.
Khu di tích là công trình văn hóa lịch sử có ý nghĩa to lớn, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục tryền thống yêu nước, truyền thống anh hùng cách mạng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là điểm nối với tuyến tham quan khu du lịch hồ Núi Cốc và các khu di tích lịch sử cách mạng là An toàn khu ATK Định Hoá và Tân Trào - Tuyên Quang.
Tự hào là nơi phát tích ngày Thương binh – Liệt sĩ, huyện Đại Từ luôn dành sự quan tâm tới nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là công tác đền ơn, đáp nghĩa, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Toàn huyện có trên 15.000 gia đình chính sách, người có công. Đến nay, 100% người có công trên địa bàn huyện Đại Từ đều có cuộc sống ổn định và luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Các gia đình thương binh – liệt sĩ thường xuyên được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành – đoàn thể các cấp quan tâm và tri ân, tặng quà hàng năm./.
Hà Anh
TAG: