Giá vàng thế giới vừa trải qua phiên giao dịch thăng hoa ngày 5/2, khi giá vàng giao sau có thời điểm vượt ngưỡng 2.900 USD/ounce - một cột mốc chưa từng có trong lịch sử. Giá vàng giao ngay cũng áp sát mức kỷ lục này, cho thấy sức hút mạnh mẽ của kim loại quý trong bối cảnh nhà đầu tư tìm kiếm bến đỗ an toàn trước những bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng.
Đóng cửa phiên giao dịch tại New York, giá vàng giao ngay dừng ở mức 2.867,4 USD/ounce, tăng hơn 0,8% so với phiên trước đó và thiết lập mức đóng cửa cao nhất từ trước đến nay. Thậm chí, trong phiên, giá vàng giao ngay còn chạm đỉnh lịch sử 2.882,16 USD/ounce. Tương tự, giá vàng giao sau trên sàn COMEX cũng chốt phiên ở mức 2.893 USD/ounce, tăng 0,6%, sau khi có lúc vượt qua mốc 2.900 USD/ounce.
.jpg)
Ảnh minh họa. (STCN)
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính đẩy giá vàng lên cao ngất ngưởng chính là những lo ngại về leo thang căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Chia sẻ với Reuters, chiến lược gia trưởng Peter Grant của Zaner Metals nhận định: "Giá vàng tăng chủ yếu do những bấp bênh về thương mại. Thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc và sự trả đũa của Bắc Kinh khiến thị trường bất an. Dòng vốn đi tìm sự an toàn đang là nhân tố chính chi phối giá vàng".
Sau khi sắc lệnh áp thuế 10% của Tổng thống Trump chính thức có hiệu lực, Trung Quốc đã ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế 15% lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Trong khi thị trường vẫn đang chờ đợi một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Donald Trump để xoa dịu căng thẳng, Tổng thống Trump lại tỏ ra không vội vàng trong việc liên lạc với Chủ tịch Trung Quốc, càng làm gia tăng thêm bất ổn và lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Trong bối cảnh bất ổn leo thang, nhu cầu tìm kiếm "hầm trú ẩn" an toàn đã thúc đẩy dòng vốn đổ vào vàng, kéo giá kim loại quý này tăng vọt. Không chỉ vậy, đà tăng của giá vàng còn được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng đô la Mỹ. Chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, đã giảm gần 0,4% trong phiên 5/2, xuống mức 107,58 điểm. Tính từ đầu tuần, chỉ số này đã giảm hơn 1,7%, tạo điều kiện cho giá vàng tăng mạnh.
Mặc dù giá vàng đang được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại, một số chuyên gia cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn. Nếu thuế quan Mỹ-Trung đẩy lạm phát tại Mỹ tăng cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể buộc phải duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn để kiềm chế lạm phát. Vàng vốn là tài sản không sinh lời, thường chịu áp lực giảm giá trong môi trường lãi suất cao.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, lo ngại về chiến tranh thương mại và bất ổn kinh tế toàn cầu vẫn đang lấn át những yếu tố kìm hãm đà tăng của giá vàng. Giám đốc giao dịch kim loại David Meger tại High Ridge Futures nhận xét: "Trong khi đồng đô la mạnh thường có tác động làm giảm thị trường vàng thì giá vàng vẫn tăng do sự bất ổn về thuế quan của Trump thúc đẩy nhu cầu tìm nơi trú ẩn an toàn".
Giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 1 của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày thứ Sáu (7/2). Báo cáo này được xem là một trong những căn cứ quan trọng để Fed đưa ra quyết định về lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 3 tới.
Trước đó, báo cáo từ ADP cho thấy khu vực tư nhân của nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 183.000 việc làm mới trong tháng 1, vượt xa mức dự báo 150.000. Số liệu việc làm khả quan có thể củng cố thêm lập luận cho việc Fed duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, gây áp lực lên giá vàng. Tuy nhiên, chiến lược gia Peter Grant cho rằng, trừ khi số liệu việc làm "chênh lệch quá lớn so với dự báo", còn không, nó khó có thể thay đổi đáng kể kỳ vọng về lộ trình lãi suất của Fed.
Công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME hiện dự báo khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 3 là 82,5%, khả năng giảm 0,25 điểm phần trăm là 17,5%. Điều này cho thấy, thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ, bất chấp những tín hiệu kinh tế trái chiều.
Với những diễn biến hiện tại, giá vàng được dự báo sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của nhiều yếu tố, từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, diễn biến đồng USD, đến các dữ liệu kinh tế Mỹ và quyết định chính sách của Fed. Trong ngắn hạn, nhu cầu trú ẩn an toàn và đà suy yếu của đồng USD có thể tiếp tục hỗ trợ giá vàng leo đỉnh. Tuy nhiên, về dài hạn, xu hướng giá vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng kiểm soát lạm phát của Fed và chiều hướng leo thang hay hạ nhiệt của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Lê Nguyên