Thời sự
Trang chủ / Thời sự / Thời sự
Lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TP Hồ CHí Minh
09:57 AM 15/04/2025
(LĐXH)-Sau khi Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng, Thành phố tiến hành lấy ý kiến của cử tri về phương án sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập Thành phố Hồ Chí Minh (mới). Ngày 13-4-2025, một số phường tại TP Hồ Chí Minh (TP HCM) đã phát phiếu lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

TPHCM lấy kiến người dân về việc sáp nhập tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu vào TPHCM ( mới)

Theo hướng dẫn của Sở Nội vụ TP HCM vừa bàn hành về tổ chức lấy ý kiện cử tri về việc triển khai sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính các cấp, các địa phương sẽ lấy ý kiện cử tri đại diện hộ gia đình thường trú trên địa bàn

Việc lấy ý kiến cử tri được tổ chức theo từng khu phố, ấp hoặc tổ chức liên khu phố, ấp tùy theo điều kiện của địa phương. Thời gian thực hiện từ ngày 12 đến 13/4/2025.

UBND cấp xã tổng hợp và lập báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri trên địa bàn, thông qua cấp ủy cùng cấp có ý kiến thống nhất (đối với đơn vị hành chính cấp xã không tổ chức HĐND), trình thông qua HĐND cấp xã ban hành nghị quyết thống nhất chủ trương sáp nhập (đối với đơn vị hành chính cấp xã có tổ chức HĐND) và gửi đến UBND cấp huyện (thông qua Phòng Nội vụ). Thời gian thực hiện trong ngày 14-4.

Theo phương án được niêm yết lấy ý kiến cử tri trên cổng thông tin của TP Thủ Đức, đơn vị hành chính mới là TP HCM, thành phố trực thuộc Trung ương, sẽ hình thành trên cơ sở sáp nhập TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hiện tại.

Đơn vị hành chính mới sẽ được hình thành dựa trên cơ sở thực hiện song hành nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đơn vị hành chính cấp cơ sở. Sau sắp xếp, TPHCM sẽ tổ chức thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, phát huy tiềm năng, lợi thế của 3 tỉnh, thành về diện tích đất đai, quy mô dân số, các kết quả tăng trưởng kinh tế, phấn đấu là cực tăng trưởng mới của cả nước và vùng Đông Nam Bộ.

Dự kiến, TP HCM sau sắp xếp, sáp nhập sẽ có diện tích hơn 6.700km2, quy mô dân số hơn 13,7 triệu người, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam Bộ.

Lãnh đạo TPHCM chủ trị hội nghị về sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tại các quận huyện trên địa bàn

Theo đánh giá của các chuyên gia: TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương được xem là những cực tăng trưởng của vùng kinh tế Đông Nam Bộ và cả nước. Vấn đề kết nối hạ tầng giao thông giữa những "cực tăng trưởng" này sẽ được tổ chức ra sao nhằm khai thác tiềm năng và lợi thế vốn có là điều được dư luận đặc biệt quan tâm.

TP HCM nằm ở vị trí trung tâm vùng Đông Nam Bộ, tiếp giáp với nhiều tỉnh thành, trong đó có Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. So với các địa phương khác, kết nối giữa TP HCM và Bình Dương hiện khá thuận tiện nhờ một loạt tuyến đường huyết mạch quốc lộ 1K, quốc lộ 1, quốc lộ 13, ĐT.743, cầu Phú Cường, cầu Bến Súc, cầu Phú Long, đường An Bình...

Đặc biệt, quốc lộ 13 được xem là "xương sống" giao thông giữa hai địa phương, nối quận Bình Thạnh đến trung tâm Thủ Dầu Một (Bình Dương). Hiện đoạn quốc lộ 13 qua Bình Dương đang được mở rộng. 

Còn đoạn qua TP HCM cũng đã được thông qua chủ trương đầu tư chuẩn bị mở rộng lên 10 làn xe theo hình thức BOT. TP.HCM đang nghiên cứu nâng cấp, làm đường trên cao trục Đinh Bộ Lĩnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh nhằm kết nối với dự án quốc lộ 13, tạo trục giao thông nhanh về trung tâm.

Trong khi đó, cao tốc Chơn Thành - Thủ Dầu Một đã được tỉnh Bình Dương thi công, sẽ kết nối với cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa. TP HCM dự kiến cũng sẽ thông qua chủ trương đầu tư dự án đường dẫn nối cao tốc Chơn Thành - Thủ Dầu Một với đường vành đại  2 TP HCM tại khu vực Gò Dưa (TP Thủ Đức). Khi có trục đường này, hàng hóa từ Tây Nguyên, Bình Dương... sẽ về các cảng biển của TP HCM gần hơn, rút ngắn thời gian đi lại đáng kể.

Khác với Bình Dương, theo đánh giá của các chuyên gia, việc kết nối TP.HCM về Bà Rịa - Vũng Tàu hiện còn khá hạn chế. Để đến Vũng Tàu, người dân TP.HCM phải qua các huyện Long Thành, Nhơn Trạch của Đồng Nai thông qua cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51... 

Người dân chưa thể có lựa chọn khác khi toàn bộ phần giáp ranh giữa TP HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay (đoạn Cần Giờ và Phú Mỹ) đều là sông và rừng ngập mặn, hoàn toàn không có đường bộ kết nối.

Tuy nhiên, trong tương lai, thời gian đi lại từ TP.HCM đến Vũng Tàu sẽ dần được rút ngắn khi các dự án cao tốc và đường vành đai hoàn thành. Đặc biệt đường vành đai 3 TP HCM đang được TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Long An đẩy nhanh tiến độ thi công với mục tiêu thông xe một số đoạn vào năm nay và hoàn thành toàn bộ dự án vào 2026. Khi đó hành trình từ TP.HCM đi Vũng Tàu sẽ thuận tiện hơn thông qua đường vành đai 3 TP.HCM, cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trong tương lai gần, nếu ba địa phương sáp nhập, theo đánh giá, nhu cầu đi lại và làm việc xuyên suốt trong khu vực sẽ tăng mạnh. Do đó ngoài tổ chức kết nối bằng đường bộ và đường thủy, cơ quan chức năng cũng sẽ tính toán làm thêm đường sắt, metro.

Với khoảng cách từ TP HCM đi Vũng Tàu hiện còn khá xa, theo TS Phạm Viết Thuận, viện trưởng Viện Kinh tế - tài nguyên và môi trường TP HCM, cần nhanh chóng nghiên cứu làm các tuyến tàu tốc hành, đường sắt tốc độ cao bên cạnh loại hình giao thông công cộng khác như: xe buýt nhanh, buýt thủy, phà... 

Sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với TP.HCM là để xây dựng vùng có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực và thế giới”, 

"TP.HCM cũng cần tập trung nguồn lực để đầu tư mạnh cho hướng kết nối từ Cần Giờ. Trong đó, khẩn trương làm cầu Cần Giờ, tuyến đường sắt tốc độ cao, cầu vượt biển và có thể làm thêm đường sắt nối huyện Cần Giờ với Vũng Tàu. Cần Giờ sẽ là cực phát triển mới nếu hệ thống giao thông nơi đây được đầu tư xứng tầm", ông Thuận nói.

Đồng tình với quan điểm xem Cần Giờ là động lực phát triển mới, KTS Khương Văn Mười, nguyên chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP HCM, cho rằng TP HCM cần đầu tư càng sớm càng tốt cầu vượt biển Cần Giờ - Vũng Tàu. Đây là công trình chiến lược không chỉ rút ngắn thời gian đi lại mà còn là điều kiện để phát triển kinh tế biển Cần Giờ - Vũng Tàu.

Còn với hướng TP HCM với Bình Dương, nhiều chuyên gia nhận định có thể tổ chức kết nối các tuyến metro liên thông vì khoảng cách hai địa phương khá gần. 

Tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện) và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ thực tiễn của TP HCM" do Học viện Cán bộ TP HCM và cơ quan thường trực Tạp chí Cộng Sản tại miền Nam tổ chức vào ngày 28.3 vửa qua, các chuyên gia nhận định:

“Sáp nhập tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với TP HCM là để xây dựng vùng có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực và thế giới”, Chuyên gia đánh giá.

Theo chuyên gia thạc sĩ Đỗ Quốc Bình cho rằng, các chủ trương của Trung ương là khi sáp nhập đảm bảo các đơn vị mới có không gian mở để phát triển kinh tế phát triển kinh tế - xã hội liên thông, tránh cát cứ, ngăn cản sự phát triển.

Ông cho rằng sáp nhập tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP HCM là để xây dựng vùng có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại, trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu khu vực và thế giới, kết cấu hạ tầng đồng bộ.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng và PGS.TS Lưu Thị Tố Tâm cho rằng chính quyền cấp huyện đã tồn tại gần 100 năm kể từ khi nước ta thành lập. Đến nay, khi khoa học công nghệ đã dần thay thế cho con người, cần bứt phá trong việc xây dựng bộ máy. Việc bỏ cấp hành chính trung gian là sáng tạo, xu hướng tích cực và cần thiết. Hiện nay đa số các nước phát triển trên thế giới đều thực hiện theo mô hình chính quyền ba cấp (cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp xã), trong đó Nhật Bản là một dẫn chứng./.

Vương Linh

 

TAG: sắp xếp đơn vị hành chính chính quyền 2 cấp lấy kiến người dân về việc sáp nhập
Tin khác
Đánh giá chương trình đào tạo trình độ Thạc sĩ tại Trường Đại học Lao động - Xã hội
Tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” cho Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện
Đoàn công tác của lãnh đạo Bộ Nội vụ làm việc với các đơn vị thuộc Bộ tại phía Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi trao Quyết định công nhận Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động – Xã hội
Hậu Giang: Trình các đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp chậm nhất trước ngày 5/5
Sẵn sàng triển khai đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở
Lãnh đạo TPHCM thăm, động viên Khối diễu hành công nhân và nông dân tham gia Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4
Cần Thơ: Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp chậm nhất đến ngày 15.4