An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo tổ chức Hội nghị kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021
05:46 PM 22/01/2021
(LĐXH) Sáng ngày 22/01/2021, tại Hà Nội, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo đã tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức, Nguyên Vụ trưởng – Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cùng các cục, vụ viện trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại diện các đối tác quốc tế, doanh nghiệp tư nhân.

Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Nguyễn Lê Bình báo cáo tổng kết công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, Phó chánh văn phòng giảm nghèo Nguyễn Lê Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã hoàn thành 4/4 nhiệm vụ được giao đúng thời hạn và đảm bảo chất lượng:
(i)            Đánh giá thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kì 2011-2020; Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.
(ii)           Chủ động xây dựng kế hoạch, đề cương, trình Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, tham mưu cho lãnh đạo Bộ chỉ đạo, điều phối các Bộ, ngành địa phương tiến hành tổng kết từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Tổng hợp, tham mưu cho Bộ báo cáo Chính phủ tại văn bản số 87/BC-LĐTBXH ngày 20/6/2020 về tổng kết, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và đề xuất khung chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025.
(iii)          Tham mưu trình Bộ ban hành công văn số 3354/LĐTBXH-VPQGGN ngày 28/8/2020 về việc xây dựng kế hoạch tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 và công văn số 4000/LĐTBXH-VPQGGN ngày 9/11/2020 về việc đôn đốc công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020. Đến nay đã có 43 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020, VPQGGN đang tham mưu trình Bộ văn bản đôn đốc các địa phương còn lại khẩn trương gửi báo cáo rà soát để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kết quả thu được sẽ là cơ sở thực hiện các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021.

Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức phát biểu tại Hội nghị

(iv)         Trên cơ sở rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019 của các tỉnh, thành phố, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã tổng hợp, tham mưu cho Bộ ban hành Quyết định số 835/QĐ-LĐTBXH ngày 15/07/2020 công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác giảm nghèo. Triển khai thực hiện kế hoạch hợp tác với các cơ quan Báo, Đài phát thanh truyền hình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; biên soạn, in ấn và phát hành các tin bài, phim tài liệu, tuyên truyền về chính sách, chương trình giảm nghèo, Nghị quyết 42/NQ-CP về gói hỗ trợ 62.000 tỷ hỗ trợ lao động mất việc làm trong đợt dịch bệnh Covid-19, về các gương hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và giảm nghèo, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đã đề ra. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ chủ trì , phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi các tác phẩm báo chí về công tác giảm nghèo lần thứ 4 năm 2020. Qua đó, các cấp uỷ, đảng, chính quyền trung ương, địa phương và nhân dân đã có hiểu biết sâu rộng về giảm nghèo, đặc biệt là nghèo đa chiều, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, phát huy nội lực của chính người nghèo để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Bình cho biết, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo bị ảnh hưởng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/04/2020 của Chính phủ. Qua theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, ngay khi có thông tin về các tồn tại, bất cập trong công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo do các cơ quan báo chí nêu, kịp thời tham mưu cho Bộ chỉ đạo rà soát,  xác định lại hộ nghèo ở tất cả các địa phương như Thanh Hoá, Hoà Bình, Hà Nội,… để kịp thời thông tin, trả lời đến báo chí và nhân dân.
Toàn cảnh Hội nghị
Đồng thời, công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cũng luôn được Văn phòng quốc gia về giảm nghèo thực hiện một cách sát sao và hiệu quả. Với mục tiêu “Chung tay vì người nghèo – Không ai bị bỏ lại phía sau”, Văn phòng đã phối hợp với Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam huy động mọi nguồn lực toàn xã hội để hỗ trợ người nghèo, tổ chức buổi truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020 với số tiền ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” gần 2.400 tỷ đồng.
Năm 2020, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo đã được Ngân sách trung ương bố trí 22.850 tỷ đồng để thực hiện một số chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, trong đó hỗ trợ chính sách y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề và các chính sách đảm bảo xã hội khác như hỗ trợ tiền điện, trợ giúp pháp lý. Trung ương Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận các tỉnh, thành phố, trong năm 2020 đã vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân đã ủng hộ 5.833 tỷ đồng, trong đó: vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương và đăng ký thực hiện an sinh xã hội số tiền trên 2.338 tỷ đồng; tại địa phương đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội được trên 3.494 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2020, các nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là hơn 93.000 tỷ đồng. Trong đó bao gồm: Vốn ngân sách Trung ương: 45%; vốn ngân sách địa phương: 11%; vốn xã hội hóa: 23,5%; vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động ASXH của MTTQVN các cấp: 20%; vốn viện trợ: 0,5%. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo được nâng lên rõ rệt. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, liên kết vùng nghèo được ưu tiên từng bước đầu tư, làm thay đổi diện mạo địa bàn nghèo, ĐBKK. Trong đó, năm 2020, Ngân sách trung ương bố trí thực hiện cho Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 10.059,141 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 7.436,452 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 2.622,689 tỷ đồng).
Sau 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 2,75% (năm 2020), bình quân giảm 1,43%/năm, tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,43% (năm 2015) xuống còn 24% (năm 2020), đạt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ giao.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao sự chủ động, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo trong năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19, thiếu thốn về sức người, sức của dưới áp lực công việc lớn vì đây là năm cuối cùng giai đoạn 2016-2020, cần tổng kết nhiều Nghị Quyết, Quyết định liên quan tới lĩnh vực giảm nghèo. Văn phòng cũng thực hiện tốt công tác tham mưu lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Giúp Ban Chỉ đạo, lãnh đạo Bộ tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá năm 2021 là năm tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể kết thúc ngay. Cùng với đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội còn cao. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, dễ tái nghèo và cũng là năm đầu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025.
Do đó, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Văn phòng quốc gia về giảm nghèo tham mưu cho Bộ báo cáo Chính phủ trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác giảm nghèo bao trùm. Phát huy vai trò tham mưu, giúp việc và sớm ban hành chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021. Hướng dẫn các địa phương tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 làm căn cứ triển khai, thực hiện các chế độ, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giảm nghèo, chuyển đổi số cơ sở dữ liệu về chính sách, danh sách hộ nghèo và cận nghèo, giúp nhân dân dễ dàng tra cứu và cập nhật thông tin kịp thời. Đồng thời, Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan như: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... trong triển khai công việc. Hợp tác với các doanh nghiệp tới đầu tư tại các địa phương còn nghèo, giúp người nghèo tìm kiếm việc làm, hỗ trợ sinh kế thoát nghèo.
Minh Ngọc
 
TAG:
Tin khác
Hội thảo thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”